Rộn ràng chợ quê ngày Tết
Những ngày cuối năm, không khí đi chợ Tết tại các chợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lại tấp nập, rộn ràng hẳn lên. Người bán chuẩn bị đủ nguồn hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con; người mua thì chọn lựa những mặt hàng đẹp, chất lượng 'ưng ý' để cho ngày Tết của gia đình thêm rộn ràng, ấm áp. Điều đó đã tạo nên nét đẹp văn hóa đặc trưng với những phong tục thăng hoa trong truyền thống dân tộc.
Những ngày cuối năm âm lịch, khi những cơn gió se se lạnh len lỏi ùa về, người dân quê tôi náo nức đi chợ để mua sắm đồ dùng cho mấy ngày Tết. Bây giờ, chợ quê đủ đầy hàng hóa, không cần phải đi các chợ lớn ở Sóc Trăng hay các thị tứ lớn, “muốn mua thứ gì cũng có”. Quả thật, khi đường sá lưu thông được mở rộng, phủ khắp thì việc giao thương dễ dàng và hàng hóa đa dạng, phong phú đến khắp các vùng quê. Từ đó, những ngày giáp Tết, chợ quê lại thêm rộn ràng và náo nhiệt. Vì vậy, dù có bận rộn cho công việc cuối năm nhưng mọi người vẫn tranh thủ việc mua sắm Tết trong gia đình; một số khác thì muốn tận hưởng không khí chợ quê ngày Tết vì chợ quê là nơi gắn bó và lưu giữ kỷ niệm của nhiều người con xa xứ như tôi.
Tôi cũng rạo rực dạo một vòng quanh các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh để cảm nhận không khí rộn ràng của ngày Tết đang đến rất gần. Đó là cảnh người mua đông đúc, tấp nập, người bán chuẩn bị nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm cho tết Nguyên đán 2025 sắp tới. Tất cả tạo nên một khung cảnh chợ Tết vô cùng vui tươi và xôm tụ. Chợ Tết ở quê những ngày này rộn ràng, tấp nập hơn ngày thường. Mọi người tạm gác lại công việc, với những lo toan cuộc sống đời thường để háo hức mua sắm và trải nghiệm tại phiên chợ trước khi năm cũ khép lại để chào đón một năm mới với nhiều hy vọng cho tương lai tươi sáng. Cho nên dù có hối hả, có vội vàng cho kịp giờ nấu mâm cơm tất niên, thì chợ quê ngày Tết vẫn không thiếu được nụ cười chân chất, hiền hậu của cả người bán lẫn người mua. Phiên chợ diễn ra giữa dòng người chen chúc nhau, trong tiếng nói cười, chào bán nhộn nhịp. Ngày cuối năm, những tuyến đường quê tấp nập người dân đi chợ mua hoa, trái cây, bánh mứt…
Mọi người thường bắt đầu đi mua sắm ở chợ Tết từ sau ngày 23 tháng Chạp cho đến chiều 30 Tết (năm nay chỉ có 29 Tết). Chợ quê ngày cuối năm luôn đặc biệt, bởi đây là phiên chợ cuối cùng của năm và cũng là phiên chợ đông đúc, nhộn nhịp nhất trong năm. Mọi sản vật do người dân địa phương trồng, nhiều mặt hàng nông sản được bà con chăm chút cả năm cũng được mang ra bày bán tại đây. Nào là bưởi da xanh Cái Mơn, bưởi năm roi Bình Minh, xoài cát Hòa Lộc, quýt đường Cái Bè, quýt hồng Sa Đéc, cam sành Tam Bình… Đặc biệt họ còn bày bán sẵn đủ loại trái cây để trưng mâm ngũ quả “cầu vừa đủ xài sung” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, trái sung), có nơi không có trái sung thì đổi thành trái sang hay trái dư để thành “cầu vừa đủ xài sang (dư)”. Những sản phẩm của người nông dân làm ra đa dạng chủng loại, phong phú sắc màu đã góp phần làm nên sự độc đáo của chợ Tết quê. Có những món hàng “cây nhà lá vườn” được bà con đưa ra chợ bán, kiếm thêm ít tiền tiêu xài trong những ngày Tết. Ai ai cũng mong muốn mau chóng bán hết mớ rau, mớ trái cây để trở về bên mâm cơm tất niên. Vì thế, không khí mua bán tại phiên chợ ngày cuối năm khẩn trương hơn bao giờ hết. Các mặt hàng bày bán tại chợ quê rất đa dạng và giá cả phải chăng, từ bánh mứt, thịt cá, rau củ quả, hoa... và những món không thể thiếu ngày Tết như bánh tét, củ kiệu. Trong buổi chợ cuối năm, tôi cảm thấy luôn có sự cảm thông, giao hòa giữa người bán và người mua.
Càng đi sâu vào trong chợ sẽ càng nhận thấy được không khí Tết đang tràn về với đầy đủ các mặt hàng mua sắm. Nào là khu dành cho các loại bánh mứt đủ màu sắc, nào là những sạp dưa hấu, thực phẩm trải đầy, nào là hoa trưng Tết được bày bán khắp chợ. Đặc biệt, vào những ngày này, một số chợ sẽ bán suốt cả đêm để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mua sắm Tết. Ông Dương Di Quý - tiểu thương chợ thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú) cho biết: “Thường năm nào cũng vậy, bà con ở đây cũng bán tại chợ đêm vào ngày cận Tết. Ban đêm, bà con đi chợ cũng đông đúc, ở các xã lân cận thì bà con cũng ra mua sắm nhiều hơn”.
Rồi tùy theo điều kiện riêng của từng gia đình, các món cần mua có thể khác nhau nhưng đều cố gắng lo được cái Tết tươm tất nhất trong khả năng của mình. Trong đó, không thể thiếu quần áo và giày dép mới, dụng cụ vệ sinh nhà cửa, vật dụng làm bếp, vật dụng nấu nướng, gia vị, đồ cúng kiếng, bánh kẹo, mứt, trái cây, thịt heo… Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, tiểu thương chợ Cái Côn (huyện Kế Sách) cho hay: “Năm nào cũng vậy, sau khi cúng ông Táo, ông Công, bà con mình đi chợ đông hơn, do đã thu hoạch mùa màng, một số đi làm ăn xa về nên tập trung mua sắm ăn Tết. Những ngày giáp Tết, bà con đi chợ đông đúc, tấp nập, người bán cũng mừng vì bán đắt hơn ngày thường. Sạp mình phải chuẩn bị trước cả tháng các nguồn hàng bánh mứt tốt và chất lượng để bà con thoải mái lựa chọn”.
Và ai cũng vậy, một khi đã đi chợ Tết thì hiếm khi nào về tay không, vì đã vất vả quanh năm nên ngày Tết là dịp để mua sắm thoải mái. Chị Trần Thị Bích, xã Tân Long (thị xã Ngã Năm) tâm sự: “Đã thành thông lệ, gia đình chúng tôi thường đi chợ Tết vào những ngày cận Tết để mua thịt về kho hột vịt chuẩn bị cho ba ngày Tết, trước cúng kiếng ông bà, tổ tiên, sau là để gia đình dùng. Ngoài ra, phải chọn cặp dưa hấu thiệt đẹp để trưng”.
Cùng với các chợ mua bán ngày giáp Tết đông đúc, nhiều nơi còn tổ chức các chợ hoa phục vụ nhu cầu người dân. Với nhiều người, đi chợ Tết không hẳn là mua sắm đồ Tết mà đôi khi còn là dịp để họ tận hưởng không khí vui tươi, nhộn nhịp. “Mỗi năm đi chợ Tết thấy vui quá vui, dù ở nhà đã mua sắm đầy đủ hết rồi nhưng mình vẫn thích lang thang trong chợ Sóc Trăng hay chợ hoa xuân, chợ dưa hấu để xem bà con đi chợ, thấy hay lắm. Tranh thủ chụp một vài kiểu ảnh để kỷ niệm”, anh Nguyễn Văn Hậu ở xã An Ninh (huyện Châu Thành) tâm tình.
Mặc dù ngày nay còn có rất nhiều loại hình chợ mua bán hàng hóa, dịch vụ đa dạng, nhưng chợ Tết quê vẫn đông đúc và người ta vẫn thích đi chợ Tết quê. Dù đi đâu về đâu cũng nhớ đến chợ Tết quê hương như hành trang mang theo. Đi chợ Tết quê đã làm nên nét đẹp văn hóa đặc trưng với những phong tục thăng hoa trong truyền thống dân tộc.