Thao thức cùng Ngày Sách Việt Nam và văn hóa đọc
Từ sách đến văn hóa đọc là chuyện đường dài, chuyện thường ngày, nhưng là chuyện cấp thiết liên quan đến chất lượng cuộc sống. Không thể vươn mình vào kỷ nguyên mới mà thiếu nguồn lực từ sách và văn hóa đọc. Bởi vậy, mỗi năm có một ngày sách để nhắc nhở, động viên, nhưng đọc sách thì luôn luôn, thường xuyên, không phải một ngày.

Sách
Sách là sản phẩm của xã hội, công cụ tích lũy, truyền bá tri thức của con người, chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần của nhân loại, được ghi lại bằng các dạng ngôn ngữ khác nhau.
Sách bắt đầu từ ký hiệu ngôn ngữ, có từ khi người mới thành người. Sách được biết đến sớm nhất có lẽ là sách của vua Neferirkare Kakai thời Ai Cập cổ đại (2.400 năm trước Công nguyên), viết trên giấy cói. Thời Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Trung Hoa cổ, sách viết tay trên da, gỗ, thẻ tre. Sách in có từ thời Trung cổ (thế kỷ V-XV). Theo Google, đến năm 2010, đã có hơn 130 triệu tựa sách; đến năm 2025, toàn thế giới ước có hơn 158 triệu tựa sách. Nếu mỗi ngày đọc một tựa sách, mỗi người phải đọc trong 432.877 năm.
Không thể hình dung, chất lượng cuộc sống sẽ ra sao nếu con người không đọc sách, có nơi không có sách. Trong dân gian, có ngạn ngữ: “Để vàng để bạc không bằng để sách cho con”. Theo Voltaire: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác, và nó trở thành tài sản chung của tất cả mọi người”.
Các danh nhân thế giới đều xem trọng việc đọc sách, trưởng thành cùng sách. Lê-nin khẳng định: “Không có sách sẽ không có tri thức. Không có tri thức sẽ không có Chủ nghĩa xã hội”. Puskin cho rằng: “Đọc sách là cách học tốt nhất”. Nhà bác học Thomas Edison so sánh: “Đọc sách với trí tuệ giống như thể dục đối với thân thể”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, làm người phải biết học: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân”.
Nhiều gia đình đã thành công trong việc cùng con cháu đọc sách, hướng dẫn cách đọc sách, chọn lựa sách phù hợp, lên lịch sinh hoạt gia đình gắn với sách…
Đọc sách
Đọc sách là đặc trưng của con người, là biểu hiện khác biệt so với không phải người. Ấy là việc hệ trọng quyết định sống của đời người. Bởi vì, sách là vốn quý, nguồn lực của trí tuệ, động lực của phát triển. Trong tọa đàm về sách năm 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có phát biểu: “Hiếu học và ham đọc sách là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần hình thành trí tuệ, tâm hồn, nhân cách và phong thái con người Việt Nam. Giở lại lịch sử, các nhà hoạt động chính trị và các học giả Việt Nam lỗi lạc đều là những con người không ngừng quan tâm đến việc đọc sách và tự học”.
Nói đến gương đọc sách, tấm gương Lê Quý Đôn (1726-1784) sáng mãi. Năm 12 tuổi, đọc hết Bách gia Chư tử; năm 14 tuổi, xong toàn bộ kinh, sử của Nho gia và theo cha lên học ở kinh đô Thăng Long; năm 17 tuổi, đỗ đầu kỳ thi Hương. Từ đó, trở thành bác học nổi danh “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn” (Ai không biết gì cứ đến hỏi Bảng nhãn Lê Quý Đôn).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tấm gương đọc sách tiêu biểu. Tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1-9-1961, Người đã tâm sự: “Về văn hóa Bác chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi Bác mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Bác trở thành lãnh tụ uyên bác phần lớn nhờ đọc sách, học ở sách. Trong bản lý lịch dự Đại hội Quốc tế cộng sản năm 1935, Nguyễn Ái Quốc kê khai “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Khi kể chuyện, Bác cho biết việc học ngoại ngữ thường từ sách, tự học mọi nơi, mọi lúc; lúc lâm chung, tự điển còn bên gối. Nhà nghiên cứu Nga Vasiliep nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.
Ngày sách
Ngày sách có từ bao giờ? Cách đây khoảng 70-80 năm, xuất phát từ Tây Ban Nha. Người ta có tập quán đọc sách, mua bán sách, tặng nhau hoa hồng vào ngày 23-4. Đây là ngày kính nhớ thánh Goerge; ngày sinh, ngày mất của đại văn hào William Shakespeare (1564-1616); ngày mất của Miguel de Cervantes (văn hào Tây Ban Nha 1547-1616). Năm 1995, UNESCO chọn ngày 23-4 hàng năm làm Ngày Sách và bản quyền thế giới” (Word Book Day).
Ở Việt Nam, Ngày sách Việt Nam (21-4) được ấn định theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 26-3-2014, Bộ Thông tin và truyền thông có Kế hoạch số 892/KH-BTTTT về tổ chức ngày sách hàng năm. Năm 2014, tổ chức lần đầu tiên tại một số nơi ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2015, nhiều hoạt động truyền thông, triển lãm, hội sách, phố sách, đường sách, chấm giải về sách được tổ chức ngày càng đa dạng ở nhiều nơi.
Tại Đồng Nai, ngày sách đầu tiên được tổ chức ngày 23-4-2016 tại Văn miếu Trấn Biên do Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai phối hợp Trung tâm Văn miếu Trấn Biên thực hiện. Từ đó, các hoạt động xuất bản, tuyên truyền, giới thiệu kích hoạt văn hóa đọc ở Đồng Nai được chú trọng, nhiều mô hình về sách và đọc sách lan rộng trên địa bàn tỉnh, như mô hình sách lưu động của thư viện tỉnh, ngôi nhà trí tuệ ở các trường học, không gian văn hóa sách ở công viên Biên Hùng, thành phố Biên Hòa.
Thực trạng và nỗi lo
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, in và phát hành, năm 2024, sách được xuất bản ước 800 triệu bản, bình quân 8 bản sách/người. So với năm 2022, tăng hơn 200 triệu bản sách xuất bản và 1,9 bản sách bình quân đầu người. Trong thực tế, ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều loại sách ngoài sách in trên giấy, nhiều mô hình đọc truyện online. Đã có hơn 750 ngàn thành viên online liên quan đến đọc sách, quảng bá sách. Ấy là sự phát triển đầy cố gắng, đáng mừng.
Nhưng, thực tế, nhiều việc đáng lo, nhiều câu hỏi còn trăn trở. Với số lượng bản sách xuất bản và bình quân sách xuất bản đầu người như thế, gọi là nhiều hay ít? Có thể vỗ tay vì vượt con số phấn đấu (mỗi năm ngành xuất bản 580 triệu bản sách, 6 bản sách/người). Nhưng thẳng thắn mà nói: Ít quá! Còn xa mới đạt được mục tiêu mong muốn (mỗi năm 20 bản sách/người).
Ấy là nói về số lượng sách, còn chất lượng đọc sách đang còn báo động. Thanh thiếu niên thích đọc truyện tranh hơn sách kinh điển. Sách “xào” nhiều hơn sách viết mới. Hiếm sách tinh hoa. Sách kích động bạo lực, gợi dục, trái thuần phong mỹ tục tràn ngập gây ngộ độc tư tưởng. Thói quen và nhu cầu dành nhiều thời gian cho việc đọc sách, tìm học ở sách chưa phổ biến.
Bởi vậy, câu hỏi làm gì để văn hóa đọc trở thành nguồn lực tinh thần của con người trong cuộc sống còn treo đó. Mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị cần có câu trả lời thực tế bằng hoạt động thiết thực. Câu trả lời từ giáo dục gia đình là cấp thiết nhất.
Gia đình là tế bào của xã hội, cũng là môi trường tạo thói quen đọc sách, hiểu sách và có nhu cầu học hành từ sách. Các bậc phụ huynh, người lớn trong gia đình làm gương và truyền lửa cho lớp trẻ về nhận thức và hành vi tốt: tôn vinh, phổ biến giá trị sách trong đời sống, truyền cảm hứng đọc sách bằng kết nối, giao lưu, giới thiệu sách. Hình thành thói quen đọc sách thành nhu cầu như cơm ăn, nước uống, thể dục hàng ngày; khuyến khích, động viên việc tham gia sáng tạo, sáng tác, xuất bản sách…