Tháo nút 'điểm nghẽn về thể chế' như thế nào?
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 21/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nêu ra những bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành; trong đó có 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng, nhân lực và thể chế là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'. Những ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm đã 'đụng' đến một vấn đề mà bấy lâu nay hầu như không mấy ai dám nhắc tới hoặc có đề cập đến thì cũng chỉ là 'nói cho có'...
1. Thật ra, vấn đề cải cách thể chế kinh tế đã được nói đến từ năm 2010. Trong các thông điệp của Chính phủ vào dịp Tết năm 2010 và liên tiếp các năm 2011, 2012, 2013, 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập yêu cầu “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường" và coi việc "cải cách thể chế kinh tế là nhiệm vụ đột phá của Chính phủ...”.
Rồi Đại hội Đảng XII cũng có đưa ra vấn đề cải cách thể chế và coi đó là nhiệm vụ đột phá, nhưng thực tế vẫn không ai chỉ ra một cách cụ thể "vì sao cần cải cách thể chế?" và "thể chế của chúng ta đang có vấn đề gì mà cần phải cải cách?". Thậm chí, ai nói về "cải cách thể chế" lập tức bị coi là "có vấn đề"...
Vì thế mà phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm vào ngày 21/10 đã thổi bùng lên một không khí "nói thẳng, nói thật" trong toàn Đảng, toàn dân. Chưa khi nào lại có nhiều cuộc hội thảo, bàn luận và nhiều ý kiến trao đổi trên tinh thần rất trách nhiệm, rất xây dựng về "tháo gỡ nút thắt về thể chế" đến như vậy.
Mới đây nhất, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của cả năm 2024, trong đó tốc độ tăng GDP quý IV khoảng 7,4-7,6%, cả năm đạt trên 7%; đồng thời nhấn mạnh, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về thể chế, tăng trưởng GDP có thể đạt mức 2 con số mỗi năm trong những thập kỷ tới.
Rồi, ngày 12/11, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh điểm nghẽn lớn là phân cấp, phân quyền là vấn đề lớn, trước nay nói nhiều và thực tế cũng đã và đang làm. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 nghị định. "Nhưng, chúng ta vẫn thấy vướng phân cấp, phân quyền. Mà vướng là tập trung chủ yếu ở Trung ương và đây là nút thắt lớn", Thủ tướng nói.
Từ đó, Thủ tướng đề cập một số giải pháp như: Rà soát lại các quy định của pháp luật, thể chế, các quy định của Đảng; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường giám sát, kiểm tra. "Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vậy, "điểm nghẽn về thể chế" đúng là "điểm nghẽn của những điểm nghẽn" và việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế là quyết định tất cả.
Vậy "thể chế" của một quốc gia là gì?
Nói một cách thật cô đọng thì thể chế là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật của một chế độ xã hội, thể hiện bản chất và chức năng của nhà nước lãnh đạo.
Nghẽn thể chế chính là hiện tượng hệ thống các thiết chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả vì các quy tắc, luật lệ ôm đồm, chồng chéo và xung đột nhau.
Vậy, điểm nghẽn thể chế chính là bắt đầu từ các luật, các nghị định và các thông tư... Những quy định trong các văn bản này có thể khi xây dựng, người ta không tính đến sự phát triển của xã hội, của kinh tế và mang nặng tư duy "phải quản thật chặt", thậm chí nhiều quy định rất lạc hậu với các yêu cầu cấp thiết và đang thay đổi của nền kinh tế thị trường...
Nói về sự lạc hậu của những văn bản luật và dưới luật thì có thể trích dẫn ra muôn vàn ví dụ. Và, thực sự đây chính là điểm nghẽn lớn nhất, quan trọng nhất đang cản trở sự phát triển của xã hội và cản trở việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Tôi xin nêu một ví dụ nhỏ thế này do TS Hồ Sĩ Thoảng, thời còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam kể lại: Năm 1991, chúng ta tìm ra được một mỏ dầu có trữ lượng khá lớn. Nhưng, để khai thác được thì phải có tiền... Mà, ngày ấy, lấy đâu ra khoảng 50 triệu USD? Thế là ông Thoảng gọi điện cho Chủ tịch Petronas, Tập đoàn Dầu khí hàng đầu của Malaysia... 3 ngày sau, ông Chủ tịch Petronas bay sang gặp ông Thoảng. Sau khi nghe ông Thoảng trình bày dự án và ngỏ ý vay vốn của Petronas để đầu tư, ông Chủ tịch kia đồng ý ngay, cho vay 50 triệu USD với điều kiện duy nhất: Khi nào khai thác được dầu thì ưu tiên bán cho Petronas với giá như giá quốc tế. Quả là điều kiện quá nhẹ nhàng... TS Thoảng và hội đồng quản trị đồng ý ngay. Một tuần sau, tiền của Petronas được chuyển vào tài khoản của Tổng Công ty... Nhưng, để lấy được tiền ra thì Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam phải báo cáo khắp nơi khắp chốn và phải trình Quốc hội cho ý kiến... Mất đứt 6 tháng trời mới xong thủ tục. Ông Chủ tịch Petronas biết chuyện và bảo ông Thoảng: "Với cơ chế của các anh thế này đừng bao giờ hy vọng đuổi kịp Petronas".
Lại thêm ví dụ nhỏ nữa. Một doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 60% làm ăn rất có lãi. Họp tổng kết năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị nói với lãnh đạo các công ty con, cháu là công ty cổ phần: "Tình hình tài chính tốt thế này, các đồng chí nên tăng lương cho người lao động. Nhưng, không nên quá 20%". Ông nói hôm trước, hôm sau các công ty thành viên ra quyết định tăng lương ngay. Còn trên công ty mẹ, cũng xin tăng lương, nhưng phải báo cáo Tập đoàn. Tập đoàn giao cho Ban Tài chính kế toán, Ban Lao động tiền lương xem xét và đề xuất. Mất gần 1 tháng các ban mới xử lý xong và báo cáo lên. Tập đoàn phải báo cáo Bộ Công thương... Bộ Công Thương giao cho các cục, vụ có liên quan xem xét đề xuất và mất đứt... 2 tháng mới xong. Sau đó Bộ Công thương xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... Rồi, lại phải xin ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Và, đã... 6 tháng trôi qua, nhưng vẫn "bóng chim, tăm cá"...
Chính những quy định không còn phù hợp, đang là rào cản đối với sự phát triển kinh tế đã tạo ra một loại cán bộ nhà nước chỉ biết "chỉ tay năm ngón" nhưng không dám quyết đáp cái gì. Đã thế, nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh đang trở thành phổ biến ở không ít các cơ quan công quyền.
Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã "mắc kẹt" trong rừng thủ tục khi có tới 61% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện; 61,36% doanh nghiệp còn phải trả chi phí không chính thức cao trong hoạt động cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện... Những phiền hà về cấp phép kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến 21,7% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
2. Là người trưởng thành từ cơ sở, Tổng Bí thư Tô Lâm biết rất rõ những gì đang là điểm nghẽn của thể chế và tác hại của việc tắc nghẽn này. Chính vì thế, tại cuộc họp với Bộ Tư pháp mới đây, Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ Đại hội XII đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế, trong đó đột phá về pháp luật là đột phá chiến lược. Tuy nhiên, công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật có phần trách nhiệm quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời hoặc tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều quy định còn chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Việc phân cấp, phân quyền phần lớn chỉ dừng ở chủ trương, chưa thể hiện nhiều trong các văn bản pháp luật, chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc nghiên cứu, ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với những vấn đề mới còn chậm...
Tổng Bí thư yêu cầu phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tuyệt đối không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư, không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ.
Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.
Thực ra, gỡ "nghẽn" thể chế không phải là điều gì quá khó khăn, quá cao siêu, mà cái chính phải bắt đầu từ việc rà soát lại các văn bản pháp luật, thấy điều gì không còn phù hợp thì kiên quyết sửa khẩn trương. Và, muốn gỡ nghẽn thể chế thì phải cải cách hệ thống pháp luật. Có vậy thôi!
Napoleon đã định nghĩa người thông minh như thế này: "Người thông minh là người biết sửa chữa sai lầm của mình trong thời gian ngắn nhất".
Đã đến lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải quán triệt sâu sắc mệnh lệnh của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Dứt khoát bỏ tình trạng không quản được thì cấm" và tất cả "xắn tay áo" vào thực hiện.
Chỉ có như vậy mới đưa được đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.