Lãi suất huy động tăng mạnh
Nhu cầu vốn tăng cao giai đoạn cuối năm đang thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất. Dự kiến, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ tăng lên mức 5,1-5,2%/năm vào cuối năm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, đến ngày 27/9/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% so với đầu năm, giảm khá mạnh so với mức 6,63% cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại đạt tới 8,53%, tăng so với mức 6,24% cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đạt 10,08%, vượt xa mức 7,4% cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi so với huy động vốn, các ngân hàng có thể phải đẩy mạnh tăng lãi suất huy động trong thời gian tới để cân bằng lại cung cầu.
Ngay trong tháng 11 vừa qua, nhiều nhà băng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi sau tháng 9 và tháng 10 duy trì ổn định.
Ước tính, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động như Agribank, ABBank, Techcombank, MB, VIB, VietBank, VietABank, BaoVietBank, Nam A Bank, GPBank, LPBank, HDBank.
Hiện tại, lãi suất tiết kiệm bình quân 12 tháng tại nhiều nhà băng đã vượt mức 6%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất hiện ở mức 5,3%/năm, tăng đáng kể so với thời điểm đầu năm.
Các ngân hàng quốc doanh cũng rục rịch tăng lãi suất. Trong tháng 11 này, Agribank đã có tới hai đợt tăng lãi suất huy động, áp dụng cho cả hình thức gửi tiền ở quầy và online.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 – 18 tháng của Agribank ở mức 4,8%/năm, cao hơn so với Vetinbank và BIDV ở mức 4,7%/năm và VIetcombank ở mức 4,6%/năm.
“Không riêng tháng 11, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay”, công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định.
Mặt khác, theo MBS, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022.
Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm cũng sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống. Hệ quả có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào.
Ngoài áp lực thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng mùa vụ cuối năm, việc tỷ giá nổi sóng gần đây cũng khiến các ngân hàng chịu áp lực tăng lãi suất tiền gửi.
Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.
Các chuyên gia MBS dự báo, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh – chỉ báo cho chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1-5,2%/năm vào cuối năm nay.
Việc lạm phát ở mức thấp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để đáp ứng nhu cầu vay vốn từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn.
Theo NHNN, tín dụng có thể tăng mạnh vào cuối năm, ước đạt 15% cả năm. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, tín dụng sẽ tăng khoảng 2%/tháng. Ước tính, để đáp ứng nhu cầu tín dụng, sẽ cần hơn nửa triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.