Thảo luận tổ về 3 dự án luật: Các đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Nguyên nêu nhiều ý kiến
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 20-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) tham gia thảo luận tại tổ.
Tham gia thảo luận tổ, đại biểu Lý Văn Huấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm.
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Đại biểu phân tích, trong thực tế, rất khó xác định và phân biệt rõ ràng giữa hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy với hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Bên cạnh đó, các đối tượng thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy luôn chống đối các cơ quan chức năng và gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giữ hình phạt tử hình đối với các tội tham ô và nhận hối lộ để bảo đảm tính răn đe và thu hồi tài sản trong quá trình điều tra, truy tố cũng như mở rộng điều tra vụ án.
Đối với việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 9 loại tội, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đại diện là pháp nhân và cơ chế để xử lý, tránh lạm dụng và bảo đảm sự công bằng.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng việc bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy, do số lượng người nghiện ma túy trên cả nước hiện nay khá lớn, tỷ lệ tái nghiện cao, dẫn đến áp lực lớn trong quá trình điều tra, truy tố cũng như công tác quản lý và thi hành án đối với loại tội phạm này.
Về nâng mức hình phạt tù, phạt tiền đối với tội phạm về môi trường, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị cân nhắc mức phạt bảo đảm tính răn đe, cơ chế giám sát cũng như khả năng thực hiện.
Về việc mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội nhằm phòng ngừa tội phạm từ giai đoạn sớm, đại biểu đề nghị quy định rõ về giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tính chất, mức độ để có hình phạt thích hợp, bảo đảm sự công bằng.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận.
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đánh giá cao quy định điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước; đồng thời đề nghị văn bản hướng dẫn cần quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện cho vay và có quy định về phương án xử lý tín dụng trong trường hợp thiên tai, rủi ro hoặc một số trường hợp đặc biệt.
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đại biểu Nguyễn Lâm Thành tán thành việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án; bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh.
Về hành vi bán hàng giả, kém chất lượng, đại biểu đồng tình với việc tăng mức phạt tù, phạt tiền; đồng thời đề nghị quy định khung hình phạt cao hơn đối với các hành vi phạm tội với mức độ lớn, gây ảnh hưởng đến nhiều người.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) tham gia ý kiến.
Đồng tình với quy định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh và bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) phân tích, đây là quy định thể hiện đậm nét bản chất của Nhà nước, tính nhân đạo của pháp luật và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Tuy nhiên, đại biểu đề xuất nên áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án thay cho hình phạt tử hình, chứ không nên coi đây là hình phạt ở mức trung gian giữa chung thân và tử hình. Theo đó, cần rà soát và bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh đã có quy định hình phạt chung thân không xét giảm án.
Đối với việc bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ để tránh bị lợi dụng và phát sinh tiêu cực xã hội. Đồng thời cần tiếp tục rà soát các quy định về tội phạm liên quan đến kinh tế trong Bộ luật Hình sự hiện hành để sửa đổi, bổ sung nhằm xây dựng chính sách hình sự bảo vệ sự phát triển của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề nghị một số nội dung.
Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề nghị cân nhắc quy định bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình với người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội; đồng thời cũng bày tỏ băn khoăn với việc bổ sung tội danh sử dụng trái phép chất ma túy và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng các nội dung này để có quy định phù hợp.
* Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đã có ý kiến phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (DN).
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, các nội dung cụ thể của dự thảo Luật liên quan đến đối tượng là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường đại học cần thống nhất với nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Quy định cho phép viên chức đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép góp vốn, tham gia quản lý, điều hành DN do trường mình thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu cần bảo đảm rõ ràng và bao trùm hết các đối tượng, bao gồm cả viên chức quản lý nhưng không phải người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập.
Về các chính sách đối với DN, đại biểu đề nghị bổ sung một điều khoản về ưu đãi cho các DN hoạt động ở các khu vực khó khăn, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số để được hưởng ưu đãi của các quy định trong các hiệp định thương mại quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các DN ở khu vực này.
Đối với quy định về quyền tự do kinh doanh, đại biểu Nguyễn Lâm Thành phân tích: Điều 33 Hiến pháp năm 2013 có quy định “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn những hành vi vi phạm như thành lập DN để lợi dụng chuyển giá, trốn thuế…, Chính phủ cần nghiên cứu các giải pháp để vừa tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, vừa hạn chế được những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh…