Luật cần rõ ràng, nhân văn và thận trọng

HNN.VN - Việc sửa đổi các đạo luật quan trọng lần này không chỉ nhằm khắc phục bất cập mà còn phải đặt trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền con người và giữ vững an ninh, công lý, đạo lý.

Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về ba dự án luật quan trọng: Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Các tổ chức tín dụng. Tổ 7 gồm các đoàn: Huế, Thái Nguyên, Kiên Giang, Lạng Sơn.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội gián điệp

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội gián điệp

Luật phải rõ, tránh lạm dụng

Liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) đưa ra cái nhìn tổng quan về quá trình xử lý nợ xấu suốt gần một thập niên. Ông dẫn lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 42 như một giải pháp tình thế khi không thể đưa cơ chế vào luật. Sau 7 năm thực hiện, dù đạt một số kết quả, nhưng việc thể chế hóa vào luật vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Ông Nam phân tích, trong 10 kỹ thuật xử lý nợ xấu của Nghị quyết 42, hiện mới luật hóa được 7, còn 3 nội dung, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản vẫn gây tranh cãi. Ông đặt câu hỏi: Sau một năm tiếp tục thảo luận, liệu đã có gì mới về mặt lý luận hoặc thực tiễn để đủ cơ sở luật hóa?

Ông nhấn mạnh đến hai trường phái lý luận quốc tế: Trường phái thông luật cho phép ngân hàng thu giữ tài sản ngay khi người vay không trả; trong khi hệ thống pháp luật dân sự như Việt Nam lại buộc phải thông qua tòa án. Cách tiếp cận thận trọng này giúp bảo vệ người dân, nhưng đồng thời khiến quá trình xử lý kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi nợ.

Bên cạnh đó, ông Nam cảnh báo về nguy cơ "méo mó chính sách" khi Nghị quyết 42 cho phép chính quyền xã, công an xã tham gia hỗ trợ xử lý nợ xấu. “Lúc cho vay thì không thấy địa phương, lúc đòi nợ lại bắt chính quyền vào cuộc” – ông dẫn lời phản ánh từ cơ sở, yêu cầu cần làm rõ cơ sở pháp lý để tránh bị lạm dụng hoặc vượt quá thẩm quyền.

Một điểm nhấn khác được ông Nguyễn Hải Nam phân tích là quy định cho phép Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất 0% cho ngân hàng gặp khó khăn. Theo ông, đây là một “cơ chế ưu đãi rất lớn” nên cần công khai tiêu chí cụ thể: Ngân hàng nào được vay? Ai quyết định? Và nếu có sự “ỷ lại” vào Ngân hàng Trung ương thì ai giám sát?

Ông khẳng định, đây không chỉ là câu chuyện tài chính mà còn là vấn đề đạo đức chính sách và niềm tin thị trường. “Cần đảm bảo luật hóa minh bạch, không trái đạo đức, không bị lạm dụng quyền thu giữ tài sản, và phải có cơ chế giám sát đầy đủ” – ông nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu tại phiên thảo luận

Không thể dễ dàng bỏ tử hình với tội gián điệp

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH TP. Huế) thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội gián điệp, tham ô và nhận hối lộ. Theo ông, đây là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh quốc gia và nền tảng đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng quy định hiện hành cho phép miễn tử hình nếu người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả (nộp lại ít nhất 3/4 tài sản chiếm đoạt) là phù hợp, cần giữ nguyên để khuyến khích việc tự nguyện khắc phục.

Về tội danh liên quan đến ma túy, đại biểu Hải cũng cảnh báo việc “hình sự hóa” hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thể đi ngược với xu hướng quốc tế và dẫn tới hệ lụy không mong muốn. Ông đề nghị giữ cách tiếp cận hiện hành – coi nghiện ma túy là bệnh xã hội – để tập trung vào phòng ngừa, cai nghiện và phục hồi.

Ngoài ra, ông góp ý điều chỉnh khung hình phạt giữa tội tàng trữ và vận chuyển ma túy cho hợp lý hơn. Thực tế cho thấy nhiều vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên, học sinh – sinh viên còn non trẻ, thiếu hiểu biết bị áp dụng cùng lúc hai tội danh, dẫn đến án phạt quá nặng. Theo ông, cần có hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo tính nhân văn trong thực thi pháp luật.

Đặt vấn đề về hình phạt tù chung thân không xét giảm án, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) chỉ rõ: Giữa tù chung thân thông thường và tù chung thân không giảm án là hai chế tài hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo cần quy định tiêu chí áp dụng cụ thể cho từng loại, tránh lúng túng trong thi hành và đảm bảo quyền lợi người bị kết án.

Về mặt kỹ thuật lập pháp, ông Tú cho rằng nên tham khảo cấu trúc quy định của Điều 40 về hình phạt tử hình, tức là chia rõ ba giai đoạn: Giảm tội danh, giảm hình phạt khi tuyên án và giảm hình phạt trong giai đoạn thi hành án.

Ông cũng cảnh báo, hiện điều 39a (mới) chưa quy định rõ việc không thi hành hình phạt này với một số nhóm đối tượng đặc thù, chẳng hạn phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ có thể dẫn đến vi phạm nguyên tắc nhân đạo vốn đã được áp dụng ổn định với án tử hình.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/luat-can-ro-rang-nhan-van-va-than-trong-153805.html
Zalo