Tháo gỡ rào cản, khơi thông động lực cho kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân cần được xem là rường cột cho sự phát triển của đất nước. Điều quan trọng là phải tạo ra động lực và môi trường thuận lợi để các doanh nhân xác định rõ sứ mệnh xây dựng doanh nghiệp, thương hiệu Việt có khả năng trường tồn.

Rào cản kìm hãm khu vực tư nhân

Với khoảng 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực này cũng tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm khoảng 82% lực lượng lao động trong nền kinh tế.

Mặc dù có nhiều cơ hội phát triển, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản.

Theo PGS.TS Vũ Hùng Cường, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), rào cản nhận thức và tư duy về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong hoạch định chính sách vẫn còn biểu hiện bất bình đẳng, có xu hướng ưu ái khu vực kinh tế nhà nước trong tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai, tài nguyên, thông tin...

Đồng thời, khu vực kinh tế tư nhân cũng phải chịu sự phân biệt trong chính sách thuế, thủ tục hải quan so với khu vực FDI.

Ông cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập, chồng chéo. Thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, tiềm ẩn rủi ro; chi phí phi chính thức vẫn còn. Từ đó, gây ra nhiều trở ngại với hoạt động đăng ký kinh doanh, trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và mong muốn mở rộng quy mô của các doanh nghiệp tư nhân.

Theo chuyên gia, để trở thành lực lượng nòng cốt, doanh nghiệp tư nhân cần đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh: Hoàng Hà

Theo chuyên gia, để trở thành lực lượng nòng cốt, doanh nghiệp tư nhân cần đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ảnh: Hoàng Hà

Cùng với đó, các chính sách tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tồn tại nhiều quy định bổ sung phức tạp, thậm chí là những "rào cản ngầm", khiến việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn.

Hay trong thiết kế yêu cầu các gói thầu của các dự án đầu tư công vẫn còn những rào cản kỹ thuật, chẳng hạn như rào cản về năng lực doanh nghiệp và kinh nghiệm hoạt động, khiến khu vực kinh tế tư nhân khó tham gia các gói thầu các công trình quan trọng.

PGS.TS Vũ Hùng Cường cũng chỉ ra một số hạn chế nội tại của chính doanh nghiệp. Đó là nhiều doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn thiếu chiến lược đầu tư, kinh doanh dài hạn, thiếu động lực phát triển. Đa số doanh nghiệp tư nhân hạn chế về quy mô, chủ yếu doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ dẫn đến hạn chế về công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới mô hình quản trị, kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Hay hạn chế về năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực liên kết; còn tự ti trong kết nối với các doanh nghiệp FDI. Đa số các hộ kinh doanh cá thể thiếu động lực chuyển đổi thành doanh nghiệp do e ngại về những thủ tục hành chính, tài chính phức tạp.

Làm sao để doanh nghiệp tư nhân là nòng cốt?

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu cốt lõi là tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực còn đang bị kìm hãm, loại bỏ các rào cản đang tồn tại, để khu vực kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ với PV VietNamNet, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Nghị quyết 68 xác định rõ: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”, là “lực lượng tiên phong” trong phát triển đất nước.

Những cụm từ này thể hiện bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy, khẳng định vị trí, tầm vóc và sứ mệnh của khu vực kinh tế tư nhân. Thay vì bị phân biệt đối xử như trước, khu vực này nay được đánh giá cao, đặt nhiều kỳ vọng và giao nhiều trọng trách.

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp tư nhân muốn trở thành lực lượng nòng cốt, cần đóng góp vào GDP nhiều hơn. Nghị quyết 68 đề ra mục tiêu đến năm 2030, doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp khoảng 55-58% GDP. Cùng với đó, xuất khẩu nhiều hơn, tạo nhiều việc làm hơn.

Về lâu dài, nền kinh tế không thể chỉ phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài. Họ đến nhanh, rút đi cũng nhanh, nhất là khi gặp trục trặc thương mại hay thay đổi chiến lược. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có gốc rễ tại chỗ, có thể phát triển bền vững qua nhiều thế hệ.

"Do đó, khu vực kinh tế tư nhân cần được xem là 'rường cột' cho sự phát triển của đất nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã hình thành từ các gia đình có truyền thống kinh doanh. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo ra động lực và môi trường thuận lợi để các doanh nhân xác định rõ sứ mệnh xây dựng doanh nghiệp, thương hiệu Việt có khả năng trường tồn qua nhiều thế hệ, phát triển bền vững”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Bên cạnh đó, theo Phó Tổng thư ký VCCI, doanh nghiệp tư nhân cần xác định sứ mệnh, đóng góp quan trọng nhất cho nền kinh tế là kinh doanh hiệu quả, hàng hóa mang lại giá trị cho người dân, cộng đồng và cạnh tranh được với quốc tế.

Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ là tài sản riêng, mà còn đại diện cho hình ảnh quốc gia khi xuất khẩu ra thế giới. Do đó, doanh nghiệp cần gìn giữ và nâng cao giá trị không chỉ ở thương hiệu và hiệu quả kinh doanh, mà còn ở giá trị và hình ảnh quốc gia. Doanh nghiệp Việt Nam phải mang trong mình thương hiệu Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thao-go-rao-can-khoi-thong-dong-luc-cho-kinh-te-tu-nhan-2400415.html
Zalo