Để Nghị quyết 68 thực sự là cú hích, 'cởi trói' cho doanh nghiệp tư nhân

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành thành tố quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước. Dù vậy, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực phát triển trong kỷ nguyên vươn mình, vẫn cần thêm những đòn bẩy về cơ chế, chính sách, cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Doanh nghiệp chưa hết khó

Tại tỉnh Hòa Bình, Công ty Cổ phần Tập đoàn IBB là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất đồ uống. Đơn vị này chuyên sản xuất, kinh doanh các loại bia tươi.

Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn IBB Lê Thanh Tú cho biết, trong lĩnh vực thực phẩm, có nhiều quy định ngặt nghèo để siết chặt điều kiện an toàn. Đây là điều cần thiết nhưng mặt khác cũng là rào cản.

Đại diện IBB chia sẻ, là doanh nghiệp trong nước nhưng khi làm các thủ tục về điều kiện sản xuất, kinh doanh thì lại phải áp dụng một loạt các quy định, tiêu chuẩn của nước ngoài.

Chế biến, đóng gói thực phẩm tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

Chế biến, đóng gói thực phẩm tại Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.

“Do vướng quy định ngặt nghèo, chồng chéo nên chi phí đầu tư lớn, khiến giá thành sản phẩm của công ty tăng cao, dẫn đến khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…” - ông Lê Thanh Tú nói thêm.

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Văn Điệp cho biết, là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vaccine, đơn vị chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với các tập đoàn, công ty lớn trong nước và nước ngoài.

“Dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng AVAC nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác vẫn gặp những khó khăn nhất định về nguồn vốn, thể chế, quy trình xử lý thủ tục hành chính, tiếp cận khoa học - công nghệ…” - ông Nguyễn Văn Điệp chia sẻ thêm.

Kỳ vọng từ Nghị quyết 68

Không chỉ Công ty Cổ phần Tập đoàn IBB và Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay cũng đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là trong bối cảnh nhiều cạnh tranh hiện nay.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) Trần Văn Minh, cho biết HanoiBA hiện có hơn 3.000 thành viên. Qua theo dõi, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay vẫn đang phải đối diện các vấn đề về thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện; áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn; năng lực tài chính, công nghệ, nhân lực cũng còn những hạn chế nhất định…

Theo ông Trần Văn Minh, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ, mà còn là lời khẳng định rõ ràng về vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 68-NQ/TW.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng lớn vào hiệu ứng tích cực từ Nghị quyết 68-NQ/TW.

“Cộng đồng doanh nghiệp trẻ Hà Nội kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ được áp dụng hiệu quả, có hướng dẫn rõ ràng, dễ triển khai trong thực tiễn. Qua đó giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm được thủ tục hành chính, thời gian và chi phí thực sự trên cơ sở cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng đồng thời không làm phát sinh các điều kiện kinh doanh mới..” - ông Trần Văn Minh nói thêm.

Cùng chung quan điểm, Thạc sĩ Lê Dung, Viện trưởng Viện Doanh Trí (Hội Hợp tác phát triển kinh tế Việt Nam - ASEAN), Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983 đánh giá: Nghị quyết 68 là lời khẳng định mạnh mẽ của Đảng về việc “cởi trói” cho kinh tế tư nhân, khu vực vốn năng động, sáng tạo và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của cả nước.

Mặc dù vậy, theo Thạc sĩ Lê Dung, điều doanh nghiệp kỳ vọng nhất lúc này không chỉ là niềm tin và định hướng, mà là hành động cụ thể, thiết thực và đồng bộ. Và để làm được điều đó, rất cần sự cộng hưởng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa chính sách và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động, để biến Nghị quyết 68 thành một “cú hích thực sự”.

Thạc sĩ Lê Dung nêu 3 trụ cột hỗ trợ cần được ưu tiên đồng bộ để Nghị quyết 68 phát huy giá trị. Cụ thể là: Hỗ trợ tài chính thiết thực; Hoàn thiện cơ chế chính sách ổn định, dễ dự đoán; Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ.

“Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, sự hỗ trợ về mặt tinh thần, thông tin và kết nối cộng đồng cũng quan trọng không kém so với hỗ trợ tài chính. Một sân chơi minh bạch, gần gũi và đồng hành sẽ giúp doanh nghiệp tự tin vững vàng trong việc ra quyết định và xây dựng chiến lược phát triển cho doanh nghiệp mình trong thời đại mới..” - Thạc sĩ Lê Dung nhấn mạnh.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ kỳ vọng, với Nghị quyết 68, các doanh nghiệp tư nhân sẽ được đối xử bình đẳng, được hỗ trợ để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Thông qua các giải pháp về hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế; chính sách tín dụng, đất đai; hành lang pháp lý ổn định, lâu dài, Nghị quyết 68 sẽ kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày một cởi mở hơn.

“Điểm đột phá của Nghị quyết 68-NQ/TW là việc xóa bỏ những định kiến, nghi kỵ vốn tồn tại lâu nay về vai trò của kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên, khu vực này được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 còn đề ra những chính sách rất cụ thể nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào các lĩnh vực vốn là “vùng cấm” chỉ dành cho doanh nghiệp Nhà nước như công nghiệp quốc phòng, an ninh và cả tư pháp…”

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-nghi-quyet-68-thuc-su-la-cu-hich-coi-troi-cho-doanh-nghiep-tu-nhan.707388.html
Zalo