Tháo gỡ 15 điểm nghẽn về khoa học công nghệ, để 'tiềm lực không chỉ nằm trên giấy'

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, Việt Nam cần tháo gỡ 15 điểm nghẽn về khoa học công nghệ, để các 'tiềm lực không chỉ nằm trên giấy'

Bày tỏ sự trăn trở suốt nhiều năm với các vấn đề khoa học công nghệ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến tiết lộ ông đã gửi một bức thư dưới tư cách cá nhân, tới Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong thư, ông chỉ ra 15 điểm nghẽn đang cản trở khoa học công nghệ phát triển tại Việt Nam.

Thứ nhất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đội ngũ các nhà khoa học cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm; thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.

“Nếu không có cơ chế phù hợp để giữ chân người giỏi, khoa học sẽ khó có thể phát triển bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chiều 5/5.

Ảnh: Tùng Đinh

Ảnh: Tùng Đinh

Thứ hai, cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ Khoa học và Công nghệ hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Thứ ba, cần cân đối chi ngân sách cấp Trung ương và địa phương. Có trường hợp địa phương được cấp phát ngân sách khoa học công nghệ, nhưng lại không tiêu hết, hoặc không có người đứng ra chủ trì, triển khai.

Thứ tư, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn tồn tại tư duy "bao cấp", triệt tiêu động lực sáng tạo, do đó, cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ khoa học công nghệ.

Thứ năm, cần tháo gỡ khó khăn giải quyết khó khăn trong “ba tự chủ”: tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu.

Thứ sáu, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Hiện nay có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí. Cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả.

Thứ bảy, cần có cơ chế sử dụng đất đai phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Thứ tám, cần xây dựng cơ chế tín dụng riêng để hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo. “Phải có nguồn vốn cho những người dám nghĩ dám làm. Chứ riêng ngành nông nghiệp, rủi ro lớn lắm, thị trường, sâu bệnh, biến đổi khí hậu, bão lụt, dịch bệnh...ai cho vay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảm thán.

Thứ chín, việc phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ khoa học cần được thực hiện đúng tiến độ, đúng đối tượng. Ví dụ, nghiên cứu một giống cây lâm nghiệp cần tối thiểu 8-10 năm, cây trồng nông nghiệp cũng cần ít nhất 7-8 năm, trong khi khung thời gian phê duyệt kinh phí hiện tại chỉ tối đa 5 năm là chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc triển khai và hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu.

Thứ mười, cần hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành.

Mười một, các chương trình khoa học công nghệ cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, đầu tư tới tầm; tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, hoặc đầu tư xong không có người sử dụng vì thiết bị quá hiện đại.

Mười hai, những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực.

Mười ba, cần xây dựng các cơ chế đặc biệt cho các chương trình khoa học công nghệ “mật”, phù hợp với đặc thù, nhu cầu và chiến lược phát triển của từng bộ ngành cụ thể, có sức lan tỏa cao.

Mười bốn, cần các chương trình phục vụ cho Bộ chuyên ngành phù hợp.

Mười lăm, kinh phí nghiên cứu nên được phân bổ theo chuỗi, theo kíp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả. Ví dụ, thay vì phân tách thành các đề tài nhỏ lẻ, một đề tài nghiên cứu khóa học nên đi từ chọn giống, đến quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khoa học công nghệ quyết định vị thể của quốc gia, của ngành, lĩnh vực; khoa học công nghệ cùng với giáo dục là quốc sách hàng đầu. Song ông phải cảm thán rằng trước đây, thế giới mất 100 năm để khoa học chuyển sang công nghệ, sau đó 10 năm, bây giờ khoa học có thể chuyển sang công nghệ gần như ngay lập tức. “Chúng ta cứ duy trì thế này, khoa học chuyển sang công nghệ lâu lắm”, ông nói.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được đánh giá là một chiến lược mang tính đột phá khi xác định rõ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực then chốt để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thao-go-15-diem-nghen-ve-khoa-hoc-cong-nghe-de-tiem-luc-khong-chi-nam-tren-giay-d278383.html
Zalo