Đề xuất Bộ Chính trị tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án
Chính phủ đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.
Trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
Cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế
Theo báo cáo, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu trên 5 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày tại phiên họp Quốc hội.
Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực. Kết cấu hạ tầng KTXH được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng về đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian ngắn đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng được nâng cao. Việc phân cấp, phân quyền được đẩy mạnh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, người nước ngoài, chuyên gia nước ngoài.
Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Trong đó, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đang đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng cho hay sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp.
Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI và chịu ảnh hưởng bất lợi do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Các động lực tăng trưởng mới đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian để phát huy hiệu quả…
Thời gian tới, Thủ tướng nhận định tình hình khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất, sản phẩm và xuất khẩu với quyết tâm tăng tốc, bứt phá, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Phấn đấu quy mô nền kinh tế năm 2025 đứng thứ 30 trên thế giới
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Trong đó, một số nội dung trọng tâm bao gồm theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Toàn cảnh phiên họp sáng 5/5.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu NSNN trên 15%. Điều chỉnh bội chi NSNN lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.
Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới.
“Chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, khẩn trương ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới; khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân…
Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, giải phóng toàn bộ năng lực nội sinh và sức sản xuất toàn xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH. Nghiên cứu xây dựng, áp dụng khung pháp lý mới để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tổ chức thử nghiệm có kiểm soát với các ngành công nghệ mới và phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, đô thị thông minh, quản trị thông minh./.
"Trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính; hoàn thiện trung tâm phục vụ hành chính công tại các bộ, ngành, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp..." - Thủ tướng nêu rõ.