Các tập đoàn bán lẻ Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Việt Nam
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản Aeon có kế hoạch tăng số lượng đại siêu thị tại Việt Nam từ 12 lên khoảng 100 cửa hàng vào năm 2030.

Người dân mua sắm tại đại siêu thị AeonMall. Ảnh: TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn báo Nikkei cho biết Aeon- tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, có kế hoạch tăng số lượng đại siêu thị, hay còn gọi là “Super Supermarket (SSM)” và cửa hàng bách hóa tổng hợp (GMS) mà công ty đang vận hành tại Việt Nam từ 12 (tính đến tháng 2/2025) lên khoảng 100 cửa hàng vào năm 2030. Một tập đoàn lớn khác của Nhật Bản là Sumitomo cũng có kế hoạch mở siêu thị tại Việt Nam, với tốc độ khoảng 10 cửa hàng mỗi năm.
Với dân số hơn 100 triệu người, trong đó tỷ lệ giới trẻ cao, Việt Nam là thị trường tiêu dùng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong khu vực Đông Nam Á và nhiều công ty nước ngoài đang phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam.
Tháng 1/2025, Aeon đã khai trương một cửa hàng bách hóa tổng hợp mang tên Aeon Xuân Thủy tại thủ đô Hà Nội. Tòa nhà nằm ở khu vực đang phát triển, nơi tập trung nhiều văn phòng, trường học... và gần ga tàu điện mới mở. Aeon Xuân Thủy vận hành từ tầng 1 đến tầng 3 của tòa nhà 4 tầng này như một GMS, cung cấp siêu thị thực phẩm cũng như mỹ phẩm, đồ nội thất, quần áo và nhiều mặt hàng khác.
Chỉ riêng khu vực bán đồ ăn nhẹ do Aeon vận hành đã có diện tích 1.620 m2, vượt xa diện tích sàn bán hàng trung bình của các siêu thị Nhật Bản (1.366 m2, theo số liệu của Hiệp hội siêu thị Nhật Bản). Chỉ riêng tầng 3 đã có 450 chỗ ngồi dành cho khách hàng thưởng thức đồ ăn chế biến sẵn.
Ngoài ra, Aeon đang muốn mở rộng loại cửa hàng SSM - là mô hình kết hợp giữa siêu thị thực phẩm và GMS, kết hợp siêu thị thực phẩm với khu ẩm thực (food court) và quầy mỹ phẩm. Điểm đặc biệt là các món ăn rất đa dạng như sushi, ramen, đồ chiên, cơm hộp (bento), bánh mì… và hầu hết các món chế biến sẵn đều được chế biến ngay tại cửa hàng.
Tính đến cuối tháng 2/2025, Aeon đang vận hành 12 cửa hàng GMS (bao gồm 3 cửa hàng SSM riêng biệt) và 36 siêu thị thực phẩm (bao gồm cả những cửa hàng City Mart con do AEON sở hữu hoàn toàn) tại Việt Nam.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết: “Để có thể cạnh tranh ngang tầm với các đối thủ như Central - tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan, chúng tôi cần hướng tới mục tiêu đạt 100 địa điểm GMS và SSM vào khoảng năm 2030”. Về các cửa hàng nhỏ như siêu thị thực phẩm, Aeon cũng đang cân nhắc mở rộng quy mô lên khoảng 200 cửa hàng.
Trong khi đó, Tập đoàn Sumitomo có kế hoạch mở rộng chuỗi siêu thị thực phẩm Fuji Mart - phát triển thông qua quan hệ đối tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam, từ 20 cửa hàng hiện tại lên 50 cửa hàng vào năm 2028. Tập đoàn sẽ tận dụng bí quyết của Summit - một chuỗi siêu thị thực phẩm mà Sumitomo điều hành chủ yếu tại Tokyo, để vận hành các cửa hàng, với mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng hết hàng và kiểm soát chặt chẽ độ tươi của sản phẩm.
Chủ tịch Fuji Mart Obama Yuji nhấn mạnh: “Mặc dù chúng tôi là siêu thị Nhật Bản, nhưng chúng tôi hướng đến người Việt Nam. Trong khi cạnh tranh khách hàng từ các chợ truyền thống bằng thực phẩm tươi sống, chúng tôi đang tạo sự khác biệt với các siêu thị địa phương bằng thực phẩm chế biến sẵn và các mặt hàng bánh mì”. Tính đến cuối năm 2011, công ty chỉ có một vài cửa hàng tại Việt Nam, nhưng từ năm 2012, công ty bắt đầu mở rộng hoạt động.
Theo số liệu của Aeon, thực phẩm chế biến sẵn và các mặt hàng bánh mì chiếm 13% tổng doanh số thực phẩm tại các cửa hàng Nhật Bản, nhưng ở Việt Nam, con số này lên tới 20%. Tại siêu thị Xuân Thủy ở Hà Nội, tỷ lệ thực phẩm chế biến sẵn bán ra đạt gần 30% (từ thời điểm khai trương vào tháng 1 đến đầu tháng 3), cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có kỳ vọng cao vào thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị Nhật Bản.
Giải thích về thực phẩm chế biến sẵn trong siêu thị, Tổng giám đốc Furusawa cho biết, ở Việt Nam, việc cả gia đình cùng đến cửa hàng, mỗi người chọn món mình thích rồi quây quần ăn uống là một hình thức giải trí. Vì vậy, không chỉ đơn thuần là mua sắm nhu yếu phẩm, mà việc tạo ra giá trị gia tăng dưới dạng trải nghiệm ẩm thực - giải trí sẽ là cơ hội để giành chiến thắng tại thị trường Việt Nam.