Thành viên hộ nghèo phải có đơn mới được xét duyệt chính sách hỗ trợ
Một trong những điều kiện cần có để thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ hộ nghèo của Hải Dương là thành viên hộ nghèo phải có đơn mới được xét duyệt hỗ trợ.
Sáng 3/12, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về 3 dự thảo nghị quyết gồm: Chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ thành viên thuộc hộ nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; chính sách đặc thù hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61-80% trong năm không được thực hiện điều dưỡng để chuẩn bị nội dung trình Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh khóa XVII.
Các đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dự buổi làm việc.
Dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương quy định chính sách hỗ trợ người lao động đã qua đào tạo nghề các trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ từ 2-20 triệu đồng/người, xét thời gian đối tượng được tuyển sinh từ ngày 1/1/2025-1/1/2027. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách là hơn 121,6 tỷ đồng.
Dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ thành viên thuộc hộ nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Hải Dương quy định các đối tượng được hỗ trợ về thu nhập hằng tháng và 100% mức đóng bảo hiểm y tế.
Theo đó, mức hỗ trợ bảo đảm đối tượng đạt thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ hằng tháng và bảo hiểm y tế là hơn 117,4 tỷ đồng/năm.
Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61-80% trong năm không được thực hiện điều dưỡng với mức chi phục hồi sức khỏe tại nhà bằng 0,9 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung tại cơ sở điều dưỡng trong tỉnh với mức 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Khắc Toản đánh giá cả 3 chính sách trên đều thiết thực, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trong tỉnh.
Đối với Nghị quyết hỗ trợ thành viên hộ nghèo cần phải tuân thủ theo 2 điều kiện, đó là kết quả điều tra của chính quyền và đơn đăng ký nhận trợ cấp của đối tượng thụ hưởng.
Cơ quan chức năng thực hiện cần nghiên cứu, lường trước những vướng mắc trong quá trình triển khai. Nếu được hỗ trợ để thoát nghèo thì đối tượng sẽ không được hưởng những chính sách hỗ trợ hộ nghèo hiện hành. Do đó, cần phải giải thích rõ nguồn hỗ trợ chính là để người dân có kinh phí trang trải cuộc sống. Hộ nghèo có quyền nhận chính sách hỗ trợ này hoặc không và phải có đơn mới được xét duyệt hỗ trợ.
Đối với Nghị quyết hỗ trợ người đã qua đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng chính sách này mới chỉ đáp ứng một số tiêu chí liên quan đến đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách khác đáp ứng tiêu chí thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc trong các doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trên địa bàn...
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc để chỉnh sửa hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết trước khi báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.