Báu vật văn hóa Nam Bộ trên đường hội nhập di sản thế giới

Việc tỉnh An Giang quyết tâm hoàn thành hồ sơ đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới không chỉ là hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thuần túy, mà còn là sự khẳng định bản sắc dân tộc trên trường quốc tế.

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã thực hiện ký kết hợp đồng với các đơn vị trúng thầu gói thầu số 3, 4, 5

Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang đã thực hiện ký kết hợp đồng với các đơn vị trúng thầu gói thầu số 3, 4, 5

Văn hóa Óc Eo - nền văn minh cổ đại rực rỡ từng tồn tại và phát triển mạnh mẽ tại vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên - đã để lại hệ thống Di tích khảo cổ phong phú, đa dạng. Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (diện tích bảo vệ rộng lớn 433ha) bao gồm di chỉ kiến trúc tôn giáo, mộ táng, cư trú, cùng vô số hiện vật giá trị, là minh chứng hùng hồn cho sự tồn tại của một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị quan trọng trong lịch sử khu vực Đông Nam Á. Việc UNESCO công nhận Óc Eo - Ba Thê là Di sản Văn hóa thế giới sẽ bảo vệ nguyên vẹn khu di tích khỏi tác động tiêu cực của thời gian, mở ra cơ hội nghiên cứu sâu rộng hơn về nền văn minh độc đáo.

Nhiệm vụ xây dựng hồ sơ đề cử di sản thế giới cho Óc Eo - Ba Thê là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, nhà khoa học, chuyên gia trong nước, quốc tế. Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ tại tỉnh An Giang vừa qua công bố kết quả trúng thầu, ký kết hợp đồng với các đơn vị uy tín: Liên danh Viện Bảo tồn di tích - Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng địa chất, di sản và môi trường - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Gói thầu 3), Liên danh Viện Bảo tồn di tích - Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ du lịch Mặt Trời Đỏ (Gói thầu 4), và Công ty Cổ phần Tư vấn đo đạc bản đồ Đất Việt (Gói thầu 5). Qua đó cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quyết tâm cao của tỉnh trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Các gói thầu được triển khai đồng bộ, từ điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ học để làm rõ giá trị, tính xác thực của di tích, đến việc lập hồ sơ đề cử khoa học, xây dựng kế hoạch quản lý bền vững, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của Óc Eo - Ba Thê đến bạn bè quốc tế. Đặc biệt, việc cử đoàn tham dự kỳ họp lần thứ 50 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris vào năm 2027 thể hiện sự chủ động, chuyên nghiệp trong việc bảo vệ hồ sơ trước các quốc gia thành viên. Công tác khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ khu di tích cũng được triển khai khẩn trương, đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả đối với di sản.

Bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử có giá trị toàn cầu Óc Eo - Ba Thê

Bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử có giá trị toàn cầu Óc Eo - Ba Thê

Giám đốc Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo Nguyễn Hữu Giềng đề nghị các nhà thầu tập trung việc bám sát nguồn tư liệu quý giá từ nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là tư liệu từ các cuộc khai quật gần đây của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; bổ sung hồ sơ về các di tích vệ tinh (Nền Chùa, Cạnh Đền và Giồng Xoài, thuộc tỉnh Kiên Giang). Điều này nhằm đảm bảo tính khoa học, thuyết phục của hồ sơ, thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử và các nghiên cứu đã được thực hiện.

Việc lập hồ sơ đề cử Di sản Văn hóa thế giới cho Óc Eo - Ba Thê không dừng lại ở khía cạnh bảo tồn và nghiên cứu văn hóa, mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với quốc gia và dân tộc. Việc một di sản của Việt Nam được UNESCO vinh danh sẽ góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của dân tộc. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào thế giới, việc bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa, lịch sử có giá trị toàn cầu càng trở nên quan trọng.

Quyết tâm của tỉnh An Giang trong việc hoàn thành hồ sơ đề cử vào năm 2026 (theo chỉ đạo khẩn trương của Thủ tướng Chính phủ) thể hiện sự quyết liệt, tầm nhìn chiến lược trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Hoạt động này trở thành là niềm tự hào của người dân An Giang, là niềm vinh dự của cả dân tộc Việt Nam, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ di sản văn hóa thế giới.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bau-vat-van-hoa-nam-bo-tren-duong-hoi-nhap-di-san-the-gioi-a420221.html
Zalo