Thanh toán tiền mặt dần biến mất tại châu Á
Tiền mặt đang nhanh chóng biến mất trong các giao dịch tiêu dùng trên khắp châu Á, nhường chỗ cho mã QR và các công nghệ thanh toán qua điện thoại thông minh.
Theo công ty xử lý thanh toán Worldpay của Mỹ, dự báo đến năm 2027, tiền mặt sẽ chỉ chiếm 14% tổng số giao dịch, giảm mạnh so với khoảng 47% vào năm 2019.
Sự chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt đã được thúc đẩy bởi nỗ lực của nhiều quốc gia châu Á nhằm phát triển hệ thống thanh toán kỹ thuật số trong nước, từ đó, giảm thiểu sự thống trị của các thương hiệu thẻ tín dụng đến từ phương Tây.
Hãng tư vấn Capgemini của Pháp dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 1,46 nghìn tỷ giao dịch không tiền mặt mỗi năm vào năm 2028, cao gấp hơn bốn lần so với Bắc Mỹ - nơi thẻ tín dụng là phương thức thanh toán phổ biến.
Sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh đang thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại châu Á. Trước đây, phương thức này phát triển chậm ở Đông Nam Á do tỷ lệ sở hữu tài khoản ngân hàng thấp, dẫn đến mức độ sử dụng thẻ tín dụng hạn chế so với Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, điện thoại thông minh đã thay đổi điều đó. Chỉ với một số điện thoại và một vài thông tin cơ bản, việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn, giúp nhiều người tiếp cận thanh toán không tiền mặt.
Trên toàn cầu, tỷ lệ thanh toán bằng điện thoại thông minh tại các điểm bán lẻ dự kiến sẽ đạt 46% vào năm 2027, cao hơn gấp đôi so với mức 22% của thẻ tín dụng.
Một động lực khác thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở châu Á là tính dân tộc. Chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc đang tích cực phát triển các mạng lưới thanh toán nội địa, trở thành thách thức đối với sự thống trị của các thương hiệu thẻ tín dụng quốc tế như Visa và MasterCard – những công ty thu phí vài phần trăm trên mỗi giao dịch và thu thập lượng lớn dữ liệu từ cả người dùng lẫn doanh nghiệp.
Tại Đông Nam Á, các quốc gia đang hợp tác phát triển hệ thống thanh toán kỹ thuật số dựa trên mã QR. Người dùng PromptPay của Thái Lan và PayNow của Singapore đã có thể chuyển tiền giữa hai quốc gia. Nhiều nghiên cứu cũng đang được thực hiện để xây dựng một hệ thống thanh toán thời gian thực xuyên biên giới trong khu vực.
Theo VTV