KakaoTalk 'thống trị' thị trường mạng xã hội Hàn Quốc
Ứng dụng nhắn tin KakaoTalk tiếp tục giữ vững vị trí số 1 tại Hàn Quốc, bám sát nút là nền tảng phát trực tuyến YouTube và ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram.
Kết quả khảo sát mới nhất do Quỹ Báo chí Hàn Quốc công bố đã hé lộ những "cái tên" đang "làm mưa làm gió" trên thị trường mạng xã hội “xứ sở kim chi.”
Ứng dụng nhắn tin KakaoTalk tiếp tục giữ vững vị trí số 1, bám sát nút là nền tảng phát trực tuyến YouTube và ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram.
Khảo sát, được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 11/2024 đối với 3.000 người từ 19 tuổi trở lên, cho thấy KakaoTalk là nền tảng được sử dụng rộng rãi nhất với tỷ lệ người dùng lên tới 98,9%. YouTube đứng thứ 2 với 84,9%, theo sau là Instagram với 38,6%.
Hai nền tảng nội địa khác là Band và Blog của Naver lần lượt xếp thứ 4 và 5 với 28,6% và 21,7%.
Trên tất cả các nhóm tuổi, KakaoTalk và YouTube vẫn là hai cái tên "bất khả chiến bại."
Tuy nhiên, vị trí thứ ba lại có sự khác biệt đáng chú ý giữa các độ tuổi. Nếu như Instagram "thống trị" giới trẻ ở độ tuổi 20, 30 và 40 (với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 80,9%, 70,7% và 47,5%), thì Band của Naver lại được lòng người dùng trung niên và cao tuổi ở độ tuổi 50 và 60 (với tỷ lệ lần lượt là 40,6% và 31,1%).
Một điểm đáng chú ý khác được khảo sát chỉ ra là sự khác biệt trong mục đích sử dụng giữa các nền tảng.
Instagram và Facebook chủ yếu được dùng để giao tiếp với bạn bè và người quen, trong khi YouTube và các dịch vụ video khác được ưa chuộng hơn để xem nội dung từ những người có tầm ảnh hưởng và nhân vật nổi tiếng.
Khảo sát cũng đề cập đến thói quen đọc tin tức trên mạng xã hội. Đáng báo động là có tới 31,6% số người được hỏi cho biết họ không biết nguồn gốc của thông tin mà mình đọc được trên mạng xã hội và hơn 45% thừa nhận không bao giờ xác minh nguồn tin tức.
Chỉ có 22,5% người được hỏi cho biết họ xác minh nguồn tin tức, trong đó giới trẻ có xu hướng kiểm tra thông tin kỹ lưỡng hơn người lớn tuổi./.