Làm chủ công nghệ điện hạt nhân là mấu chốt phát triển năng lượng bền vững

Điện hạt nhân phát triển trước hết dựa trên nền tảng khoa học hạt nhân, đồng thời có tính liên ngành cao. Để làm chủ công nghệ, phải có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu trình độ đảm bảo vận hành an toàn.

Điều chỉnh quy hoạch điện VIII để đánh giá tiềm năng phát triển điện hạt nhân

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến tham vấn điều chỉnh quy hoạch điện VIII, trong đó có đánh giá tiềm năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Trước đó, ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trước đây đã được Tư vấn thiết kế hoàn thành F/S, nhưng chưa được phê duyệt.

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Do đó, đề án đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và điện hạt nhân Ninh Thuận 2 trong kịch bản có chính sách phát triển điện hạt nhân của Chính phủ. Nguồn điện hạt nhân (kể cả điện hạt nhân quy mô nhỏ SMR) đều phải đặt ở những vị trí có tiềm năng do đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn, địa chất khu vực và vấn đề chôn cất chất thải hạt nhân.

Do đó, đề án chỉ tính toán cho những vị trí tiềm năng đã được phê duyệt tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân.

Theo quyết định trên, giới hạn tiềm năng xây dựng nguồn điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng như sau: Nam Trung Bộ (khoảng 30 GW), Trung Trung Bộ (khoảng 10 GW) và Bắc Trung Bộ (khoảng 5 GW).

Bộ Công Thương đánh giá có 8 vị trí trong Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân, mỗi vị trí có tiềm năng phát triển khoảng 4 - 6 GW nguồn điện hạt nhân.

Cụ thể: Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận;

Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận;

Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định;

Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên;

Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh;

Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận;

Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi;

Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Đến thời điểm hiện nay, chỉ có 2 địa điểm Phước Dinh và Vĩnh Hải là có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một số địa điểm tiềm năng khác (2 địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 địa điểm ở Bình Định) được xem xét là địa điểm tiềm năng.

Làm chủ công nghệ để phát triển bền vững

Theo chuyên gia năng lượng, TS Võ Văn Thuận, trong tiến trình dài chuyển dịch năng lượng, bên cạnh các nguồn năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân là nguồn điện nền quan trọng thích ứng với những thất thường của khí hậu, thời tiết. Trên bình diện quốc tế, tại Hội nghị thượng đỉnh COP28 vào năm 2023, điện hạt nhân đã được công nhận là nguồn phát điện xanh quan trọng, không phát thải CO2 khi vận hành.

Trong lịch sử phát triển điện hạt nhân trên thế giới 70 năm qua, lò phản ứng thế hệ đầu tiên với công suất thấp tiến dần qua 3 thế hệ lò tiếp theo có công suất lớn hơn và an toàn hơn. Thế hệ 2 từ những năm đầu thập niên 1960 là các lò đã đạt một số quy chuẩn chung, công suất trung bình trên dưới 500 MWe. Thế hệ 3 là lò công suất lớn đến 1.000 MWe, được phát triển từ sau vụ tai nạn Chernobyl với các quy chuẩn an toàn hạt nhân nâng cao.

Thế hệ 3+ được phát triển những năm 2000, căn bản dựa trên nền tảng thiết kế của thế hệ 3, nhưng bổ sung tăng cường nhiều yếu tố an toàn tiên tiến đáng tin cậy và công suất nâng lên trên 1.000 đến 1.600 MWe, với tuổi thọ kéo dài đến 60 năm.

Trong 15-20 năm tới, thế hệ 3 và 3+ là những lò phản ứng chiếm tuyệt đại đa số các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng mới, trong đó công nghệ 3+ có độ kiểm chứng an toàn tốt nhất, có đầy đủ tính năng để khắc chế hoàn toàn tai nạn phát thải phóng xạ ra môi trường. Chúng đã từng được đề xuất chọn cho dự án Ninh Thuận.

Từ thập niên 1990 đến nay, các nước công nghiệp tiếp tục đưa ra ý tưởng chế tạo loại lò thế hệ mới thiết kế mô-đun công suất nhỏ (SMR) có độ an toàn cao, dễ lắp đặt, chủ yếu hướng tới thị trường các nước đang phát triển, hoặc để cho nhiều mục đích chuyên dụng, giúp giảm nhẹ vốn đầu tư và thời gian lắp đặt. SMR hứa hẹn sẽ có độ an toàn hạt nhân tốt nhất. Nhưng dù sao đó vẫn là dự báo lý thuyết, vì các lò mô-đun nhỏ còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nên cần nhiều năm kiểm chứng về kỹ thuật và kinh tế. Tất nhiên, chúng ta phải sớm chủ động tổ chức nghiên cứu đón đầu những công nghệ mới như SMR.

"Điện hạt nhân phát triển trước hết dựa trên nền tảng khoa học hạt nhân, đồng thời có tính liên ngành cao, kết hợp với nhiệt thủy động lực học, cơ khí siêu trường, siêu trọng, kết cấu xây dựng đặc biệt, cơ khí chính xác, kết hợp tin học - điện tử - tự động hóa, sinh học phóng xạ gắn với quản lý an toàn bức xạ.... Vì thế chương trình điện hạt nhân quốc gia trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy khoa học công nghệ (KHCN) đỉnh cao và nhiều nhánh công nghiệp phụ trợ", TS Võ Văn Thuận nói.

Theo TS Võ Văn Thuận, đứng trước những cơ hội to lớn như vậy, nhưng Việt Nam lại đang đối mặt với thách thức thiếu hụt chuyên gia có trình độ, vì vậy đào tạo nhân lực vào lúc này như một nhiệm vụ ưu tiên cấp bách.

Để tái khởi động điện hạt nhân, cần có chính sách đặc biệt huy động nhân lực chất lượng tốt gia nhập đội ngũ quản lý, nghiên cứu triển khai KHCN và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Sau đợt "khẩn cấp tổng động viên", việc đào tạo bồi dưỡng nhân lực phải được thực hiện liên tục và bài bản theo tiến độ phát triển lâu dài của chương trình điện hạt nhân từ nay đến 2050. Khi đó nước ta sẽ có đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư đủ tầm sánh bước với các nước tiên tiến, có năng lực từng bước làm chủ và nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân.

Dự kiến, hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận sẽ có tổng công suất 4 tổ máy 4.800 MW. Với các kịch bản trên, Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sớm nhất vào 2031 và muộn nhất vào 2035.

Sáng 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo rà soát lại các công việc đã được giao sau phiên họp thứ nhất, đồng thời thảo luận, góp ý xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Theo đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Thủ tướng giao EVN làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Petrovietnam làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Về lựa chọn đối tác nước ngoài tham gia dự án, Thủ tướng yêu cầu EVN, Petrovietnam và các cơ quan ngay trong tháng 2 cử đoàn công tác đàm phán với các đối tác nước ngoài, chú ý phải có đối tác dự phòng để sẵn sàng trong mọi tình huống.

Thủ tướng cũng chỉ đạo về bố trí vốn cho dự án, trong đó có việc sử dụng vốn dự phòng của năm 2025. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương trình dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh liên quan điện hạt nhân, hoàn thành trước ngày 28/2/2025.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lam-chu-cong-nghe-dien-hat-nhan-la-mau-chot-phat-trien-nang-luong-ben-vung-169250206172405429.htm
Zalo