Thành phố toàn cầu
Trong quy hoạch phát triển chung của TP Hồ Chí Minh mới được công bố đã lần đầu tiên nêu mục tiêu định hướng trở thành thành phố toàn cầu.
Cụm từ “thành phố toàn cầu” là khái niệm không mới trên thế giới, được nhắc tới từ đầu thập niên 2000, được hiểu như đô thị có tầm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu qua các yếu tố, phương tiện kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị đặc trưng.
Hiểu đơn giản hơn là đô thị giữ vai trò trung tâm, có vị thế, sức hút trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội như du lịch, tài chính, cảng biển, điểm đến của nhà đầu tư..., có mối liên kết, quan hệ, kết nối kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng chảy phát triển khu vực và thế giới.
Vậy, liệu TP Hồ Chí Minh có đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển thành thành phố toàn cầu hay không? Câu trả lời của nhiều chuyên gia là có thể đạt được. Vì TP Hồ Chí Minh có vị thế kinh tế đầu tàu, giàu truyền thống lịch sử, tiên phong, đổi mới, sáng tạo, hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghiệp, công nghệ cao phát triển, cảng biển... được tích lũy suốt gần 40 năm đổi mới.

Ảnh minh họa / qdnd.vn
Để trở thành thành phố toàn cầu, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh các động lực, nguồn lực phát triển, tạo bứt phá về tăng trưởng, xây dựng trung tâm tài chính, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng hạ tầng công nghệ mới; công nghiệp văn hóa gắn bản sắc du lịch, văn hóa đô thị sông nước; nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, đối tác quốc tế...
Tiềm năng, điều kiện, quy hoạch đã có, cơ hội cũng rộng mở, vấn đề là quyết tâm chính trị cao nhất, tạo bệ phóng, nguồn lực tối đa để sau 50 năm giải phóng, TP Hồ Chí Minh có những bước đi vững chắc, trở thành đô thị toàn cầu đầu tiên của cả nước, phát triển năng động, thông minh, hiện đại.