Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 21/2: Đà tăng mới có thể hình thành
Thị trường đang đứng trước ngưỡng kháng cự quan trọng ở vùng 1.285-1.305 điểm, đây là mức thử thách lớn mà VN-Index gặp khó khăn khi test kể từ tháng 08/2022, khi mà khối lượng cổ phiếu 'kẹt hàng' quá nhiều tạo ra áp lực bán lớn.

Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 21/2
CTCK Vietcombank – VCBS
Chỉ số VN-Index kết phiên với nến Doji thể hiện sự lưỡng lự của thị trường ở vùng cản tâm lý 1.295-1.300 điểm.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung vượt ra ngoài đường biên trên dải Bollinger band và vận động rung lắc đã rõ nét hơn vào phiên hôm nay.
Chỉ báo CMF tuy neo trên mốc 0 nhưng đang hướng xuống cho thấy tín hiệu thận trọng hơn phía dòng tiền.
Bên cạnh đó, nhóm bluechip chưa hoàn toàn thể hiện được sức mạnh cần thiết giúp VN-Index bứt phá nên việc rung lắc điều chỉnh biên độ 5-10 điểm vẫn hiện hữu trong ngắn hạn.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI tạo đỉnh/đáy nhỏ và chỉ báo MACD cũng có tín hiệu đi ngang thể hiện cho các nhịp trồi sụt trong phiên.
Chỉ số đang ở mốc 0,5 của thang đo Fibonacci mở rộng nên vận động rung lắc là điều dễ hiểu. Cùng với đó, thị trường chưa có sự đồng thuận mạnh mẽ từ nhóm bluechip, đặc biệt là nhóm ngân hàng nên vận động kiểm chứng động lực sẽ là diễn biến chính trong ngắn hạn.
CTCP Chứng khoán UP
Hình thành nến doji trong phiên chiều cho thấy sự cân bằng và do dự của lực mua – bán, là tín hiệu cảnh báo rằng thị trường có thể sớm bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Thị trường đang đứng trước ngưỡng kháng cự quan trọng ở vùng 1.285-1.305 điểm, đây là mức thử thách lớn mà VN-Index gặp khó khăn khi test kể từ tháng 08/2022, khi mà khối lượng cổ phiếu “kẹt hàng” quá nhiều tạo ra áp lực bán lớn.
Theo phân tích kỹ thuật, khi vùng kháng cự được test nhiều lần thì độ tin cậy và sức mạnh của nó càng tăng và khối lượng giao dịch thường xuyên nằm trên mức trung bình 20 ngày là tín hiệu tích cực cho sự đột biến của khối lượng, giúp breakout thành công.
Nếu VN-Index phá vỡ hoàn toàn vùng 1.285-1.305 điểm, đà tăng mới có thể hình thành với mục tiêu hướng tới vùng 1.370-1.380 điểm trong năm 2025.

Biểu đồ kỹ thuật VN-Index.
CTCK Asean
Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục xu hướng phục hồi khi mở gap up ngay từ đầu phiên và đóng cửa với cây nến xanh doji.
Hiện tại các chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu tích cực khi chỉ số đang nằm trên các đường EMA 20, EMA50 và EMA100, đồng thời các đường trung bình có xu hướng dốc lên cho tín hiệu tăng về xu hướng ngắn hạn.
Đồng thời, các đường MACD và RSI đang nằm trên đường trung bình và có xu hướng tăng nhẹ, cho thấy sự tích cực về động lượng thị trường.
Theo quan điểm kỹ thuật, thị trường đang tiếp tục xu hướng phục hồi và hướng đến vùng kháng cự 1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc việc giải ngân vào các cổ phiếu lớn với nền tảng cơ bản vững mạnh và triển vọng kinh doanh tích cực.
CTCK SHS
Xu hướng ngắn hạn VN-Index duy trì tăng trưởng trên vùng hỗ trợ gần nhất quanh 1.280 điểm. Tiếp tục hướng đến vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm, đây là vùng đỉnh giá tháng 8/2022 cũng như vùng đỉnh năm 2024 và là cạnh trên của kênh tích lũy trung hạn đang kéo dài liên tục hiện nay.
Để vượt lên vùng kháng cự rất mạnh này cần động lực tăng giá vượt trội đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 là nhóm chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn trên thị trường hiện nay.

Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index.