70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng: Niềm tin và khát vọng vươn mình

Phát huy truyền thống 'Trung dũng - Quyết thắng' cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, 70 năm sau ngày giải phóng, Hải Phòng đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Cách đây 70 năm, ngày 13/5/1955, những binh lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng đánh dấu thời điểm miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” cùng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, 70 năm sau ngày giải phóng, Hải Phòng đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi bến Nghiêng dưới sự giám sát của sỹ quan QĐND Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi bến Nghiêng dưới sự giám sát của sỹ quan QĐND Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Với vị trí chiến lược đặc biệt, Hải Phòng được chọn làm nơi tập kết 300 ngày, trước khi quân Pháp và tay sai rút về phía Nam.

Trong khi nhiều địa phương khác ở miền Bắc đã được giải phóng, nhân dân Hải Phòng – Kiến An vẫn kiên cường tiến hành cuộc đấu tranh “không tiếng súng”. Với âm mưu biến Hải Phòng thành một đô thị “chết”, thực dân Pháp đã cấu kết với đế quốc Mỹ và tay sai phá hoại kinh tế, vơ vét tài sản và vận chuyển máy móc, nguyên liệu vào miền Nam nhằm triệt tiêu mọi cơ sở vật chất – kỹ thuật tại Hải Phòng.

Không khí ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955 (Ảnh tư liệu)

Không khí ngày giải phóng Hải Phòng 13/5/1955 (Ảnh tư liệu)

GS.TS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội Khoa học và Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá: “300 ngày Hải Phòng được lựa chọn là một nhiệm vụ khó khăn; Đảng, Chính phủ giao cho Hải Phòng một thử thách. Trong 300 ngày ấy, lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng đã phải gồng mình lên, vì đây là nơi tập kết quân Pháp về đây, người di cư cũng tới đây; rồi những vấn đề phức tạp về chính trị, cài cắm gián điệp... Cho nên phải thấy rằng, những gì Hải Phòng đạt được sau 300 ngày ấy là một nỗ lực phi thường.”

Nhiều công trình tầm vóc đã và đang được xây dựng tại Hải Phòng, như: Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi các khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại; Hải Phòng đang khẳng định là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics và du lịch lớn của miền Bắc.

Nhiều công trình tầm vóc đã và đang được xây dựng tại Hải Phòng, như: Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cầu Bến Rừng, cầu Nguyễn Trãi các khu công nghiệp, khu đô thị hiện đại; Hải Phòng đang khẳng định là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics và du lịch lớn của miền Bắc.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy Tả Ngạn và Ban Chỉ đạo khu 300 ngày, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Kiến An đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh quyết liệt chống âm mưu phá hoại của địch, bảo đảm việc tiếp quản các vùng mới giải phóng diễn ra an toàn. Chiều ngày 13/5/1955, chiếc tàu chở những binh sĩ Pháp cuối cùng rời khỏi bến Sáu Kho (nay là Cảng Hoàng Diệu – Cảng Hải Phòng). Cùng lúc đó, đoàn tàu hỏa treo cờ đỏ sao vàng, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ga Hải Phòng kéo một hồi còi dài tiến vào cảng. Các nhà máy, công sở cũng đồng loạt kéo còi, treo cờ đỏ sao vàng chào mừng giờ phút lịch sử: thành phố Hải Phòng hoàn toàn giải phóng.

70 năm - một hành trình đáng tự hào, đồng thời cũng là điểm xuất phát mới cho những mục tiêu lớn lao trong tương lai. Ảnh: Chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng - Thành phố Anh hùng.

70 năm - một hành trình đáng tự hào, đồng thời cũng là điểm xuất phát mới cho những mục tiêu lớn lao trong tương lai. Ảnh: Chương trình duyệt đội ngũ và diễu hành quần chúng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng - Thành phố Anh hùng.

Ngày 13/5/1955, mãi mãi khắc sâu trong ký ức người dân đất Cảng. Bà Đỗ Thị Kim Oanh, năm nay 85 tuổi kể: “Khi Hải Phòng giải phóng, tôi mới 15 tuổi, nhà gần doanh trại bộ đội. Trông thấy đoàn quân về rất hùng tráng, đi đều bước, tay cầm súng, hát vang về bài hát về Hải Phòng rất hùng dũng, oai nghiêm. Nhà tôi gần bến Sáu Kho (tức Cảng Hải Phòng), thấy đoàn quân thất trận rút đi, sau đó là đoàn quân giải phóng hùng tráng tiến vào. Tất cả hình ảnh ấy, tuy giản dị nhưng rất ấm cúng, phải nói là tuyệt vời.”

Việc giải phóng Hải Phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... nay Hải Phòng đã vươn mình dậy, giải phóng. Khắp phố phường cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ như hoa nở mùa xuân. Những năm chịu đựng gian khổ, đoàn kết chiến đấu, đã kết quả vẻ vang: Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng.”

Hải Phòng – “Thành phố Tháng Năm” – đang rực rỡ cờ hoa, thổi bùng những khát vọng vươn xa! (Ảnh: CTV)

Hải Phòng – “Thành phố Tháng Năm” – đang rực rỡ cờ hoa, thổi bùng những khát vọng vươn xa! (Ảnh: CTV)

70 năm qua, phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, Hải Phòng luôn tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước, trở thành cực tăng trưởng năng động, sáng tạo của đất nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hải Phòng đã khởi xướng nhiều phong trào như “Sóng Duyên Hải”, “Xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”.

Trong thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là địa phương tiên phong trong việc khoán hộ, giao ruộng cho nông dân – là cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý nông nghiệp (Khoán 10), tạo nên bước ngoặt trong ngành nông nghiệp.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: “Hải Phòng là một trong những địa phương luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn. Sự "thần kỳ" trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam có một phần rất quan trọng bắt đầu từ khoán ở Đồ Sơn. Khoán ở Đồ Sơn không chỉ là phương thức tổ chức sản xuất mà còn là sự dũng cảm đi đầu của con người Hải Phòng – quyết liệt, dám nghĩ dám làm.”

Hiện nay, Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ, bứt phá trên nhiều lĩnh vực, trở thành đầu tàu tăng trưởng của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Liên tục 10 năm qua, Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức 2 con số; thành phố nằm trong TOP đầu cả nước về thu ngân sách, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kết cấu hạ tầng. Từ các tuyến cao tốc, cầu vượt sông quy mô lớn đến hệ thống cảng biển, logistics hiện đại, Hải Phòng đang kiến tạo một diện mạo mới, xứng đáng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics và du lịch lớn của miền Bắc.

Tại cuộc làm việc với Thành ủy Hải Phòng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự phát triển của thành phố và bày tỏ mong muốn Hải Phòng tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, ý chí kiên cường, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nắm bắt thời cơ để tạo nên những bước đột phá mới, vươn tầm ngang hàng với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới.

“Tôi tin tưởng rằng Hải Phòng sẽ sớm thành công và trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp hóa mới, như Hồng Kông, như Singapore và như nhiều thành phố trong khu vực đã làm. Sớm hiện thực hóa tầm nhìn 2045 mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Hải Phòng – đó là trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu của châu Á và trên thế giới. Chúng ta không thua kém gì những địa danh này; chúng ta phải đạt tầm vóc của khu vực và thậm chí của thế giới.”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Từ thành phố Cảng anh hùng trong chiến đấu đến đô thị động lực trong thời kỳ hội nhập, Hải Phòng hôm nay đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. 70 năm – một hành trình đáng tự hào, đồng thời cũng là điểm xuất phát mới cho những mục tiêu lớn lao trong tương lai.

Hải Phòng – “Thành phố Tháng Năm” – đang rực rỡ cờ hoa, thổi bùng những khát vọng vươn xa.

Nguyễn Thị Thanh Nga/VOV - Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/70-nam-ngay-giai-phong-hai-phong-niem-tin-va-khat-vong-vuon-minh-post1199080.vov
Zalo