Thành phố Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong 4 năm qua

Một số ngành công nghiệp ở Thành phố Hồ CHí Minh có mức tăng trưởng cao gồm in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; thiết bị điện.

Sản xuất công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Sản xuất công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9% so với cùng kỳ, mức sản xuất cao nhất trong 4 năm qua của thành phố.

Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng là nhờ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chủ động đẩy nhanh tiến độ sản xuất trước 90 ngày so với lịch đặt hàng nhằm hạn chế rủi ro, chi phí và thuế quan bất lợi.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2025 tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ, đã góp phần kéo chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng theo.

Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết tính chung 4 tháng đầu năm 2025, có 22/29 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ.

Một số ngành có mức tăng cao gồm in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất thiết bị điện.

Riêng chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 4 tháng đầu năm 2025 tăng 7,7% so với cùng kỳ; còn chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ như: phân khoáng hoặc phân hóa học, tivi, ximăng, bao bì đóng gói bằng plastic.

Theo một số chuyên gia, sản xuất công nghiệp không những có đóng góp lớn vào tăng trưởng thương mại trong và ngoài nước mà còn thu hút đầu tư nước ngoài vào Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung trong suốt những năm qua.

Mặc dù sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như sự thiếu hụt nguồn lao động, sự khó đoán định của đơn hàng, vấn đề nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), rào cản thương mại mới của một số thị trường truyền thống… nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ là nhờ sự đóng góp của các địa phương, nhất là đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, những thông tin tăng thuế xuất nhập khẩu vẫn xoay chiều liên tục tại thị trường Hoa Kỳ đang đặt doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều lo ngại và thách thức. Có thể kể đến vấn đề quan trọng hàng đầu là làm sao duy trì thị phần, cũng như phát triển hoạt động xuất khẩu hàng vào thị trường này.

Liên quan đến việc áp thuế mới của Hoa Kỳ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật Thành phố Hồ Chí Minh phân tích trước bối cảnh tuy tiêu cực nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động hội nhập sâu, khai thác hiệu quả những FTA thế hệ mới, linh hoạt thích nghi “bình thường mới” theo xu hướng phát triển thị trường ngách, cải tiến sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn, thu hút đầu tư doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Mặt khác, để vượt qua những khó khăn đối với từng ngành nghề, lĩnh vực, cộng đồng doanh nghiệp linh hoạt giải pháp đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp toàn cầu.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nên chú trọng phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành sản xuất, kiêm Trưởng dự án Net Zero, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chia sẻ đối với hành trình Net Zero thì điều kiện đầu tiên là xác định được mục tiêu rõ ràng về phát triển bền vững, từ cơ sở này triển khai đến bộ phận vận hành và quản trị sản xuất.

Trong số đó, tích hợp giữa công nghệ sản xuất và sử dụng năng lượng bằng những công nghệ như AI, IoT… hỗ trợ tối ưu hóa trong sử dụng tài nguyên trong sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ. Đồng thời, năng lượng tái tạo và sản xuất thông minh còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Về phía ngành hàng của mình, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) chỉ ra rằng, trong giai đoạn tiếp theo chắc chắn chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ ngày càng quan trọng, cũng như là xu thế dài hạn của cả thị trường dệt may thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nên đòi hỏi doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bắt kịp xu thế, đáp ứng yêu cầu của khách hàng với nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Việc sử dụng công nghệ hiện đại giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư thiết bị máy móc công nghệ chuyển đổi kép, chuyển đổi số... là những biện pháp mà doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đang hướng tới.

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định cùng với sự đồng hành của sở, ngành thành phố, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong “tự thân vận động” trong phát triển bền vững, từ đó tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và phát triển thị trường nội địa.

Đặc biệt, tính chung 4 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9% so với cùng kỳ, không chỉ là mức sản xuất cao nhất trong 4 năm qua, mà còn là minh chứng cho sự bứt phá thích ứng của những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã và đang chủ động đẩy nhanh tiến độ sản xuất kể từ khi có thông tin áp thuế mới của Hoa Kỳ cho đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-san-xuat-cong-nghiep-tang-cao-nhat-trong-4-nam-qua-post1037073.vnp
Zalo