Thành phố Hồ Chí Minh rà soát việc thực hiện 'Thành phố học tập toàn cầu'
Qua rà soát, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đánh giá lại các nội dung đã thực hiện và đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 'Thành phố học tập toàn cầu'.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện rà soát việc thành lập Ban chỉ đạo và kế hoạch triển khai “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024-2030”.
Theo đó, các đơn vị căn cứ vào quy mô, chức năng, nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu và triển khai đến đội ngũ về các nội dung, tiêu chí, chỉ số theo Bộ tiêu chí xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO.
Ngoài ra, phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tổ chức sơ kết nhằm đánh giá lại các nội dung đã thực hiện và đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.
Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan công tác xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, mô hình học tập và phong trào thi đua "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ trì xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố trong triển khai xây dựng thành phố học tập.
Trong đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, mô hình học tập, trung tâm học tập cộng đồng.
Tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo và Hội khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp trong công tác xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập, mô hình học tập, trung tâm học tập cộng đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá kết quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng điểm;
Cùng với đó, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Ngay sau khi gia nhập “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch trong giai đoạn 2024-2030 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của người dân và thực hiện các giải pháp xây dựng thành phố học tập suốt đời.
Dự kiến, trong các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra 11 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030" của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số; Tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng thành phố học tập; tham gia nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời…