Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết tâm di dời gần 46.500 căn nhà ở ven kênh rạch

Thành phố Hồ Chí Minh đang quyết tâm và lên kế hoạch di dời khoảng 46.452 căn nhà ven và trên kênh, rạch, sông ngòi trong thời gian sắp tới nhằm xây dựng, cải tạo hàng loạt kênh rạch, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống, giảm ngập úng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm di dời khoảng 46.500 căn nhà ven kênh rạch.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm di dời khoảng 46.500 căn nhà ven kênh rạch.

Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án di dời toàn bộ số nhà ven kênh rạch (Đề án), dự kiến báo cáo Thành ủy và HĐND Thành phố trước tháng 3/2025.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án lần này là cơ hội để Thành phố thay đổi diện mạo đô thị, cải thiện môi trường sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án trước ngày 25/11. Đề án do Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường giữ vai trò Phó Ban.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương xây dựng đề cương, quy chế, kế hoạch thực hiện đề án để báo cáo, trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến để trình Thành ủy và HĐND Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với quận 8, địa phương có nhiều nhà ven kênh nhất được giao nhiệm vụ hoàn thiện đề án thí điểm về di dời nhà đất, đồng thời đề xuất các phương án tận dụng quỹ đất sau giải tỏa để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ phối hợp cùng các Sở, ngành để rà soát quỹ đất khả dụng, bao gồm đất để xây dựng nhà ở xã hội và đất dành cho phát triển kinh tế. Phương án phân bổ dân cư và chỉ tiêu dân số cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo sử dụng đất hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, Giám đốc Sở Xây dựng được giao nghiên cứu mẫu nhà ở xã hội có thiết kế thẩm mỹ, chất lượng cao nhưng chi phí xây dựng hợp lý. Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn sẽ được tham khảo để đưa ra phương án xây dựng phù hợp với các khu vực đã di dời.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng, Đề án lần này là một bước tiến quan trọng nhưng cũng đầy thách thức khi phải giải quyết đồng bộ các vấn đề từ pháp lý, tài chính, đến sự đồng thuận của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giao Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện kế hoạch, đặc biệt là phiếu khảo sát, bảng câu hỏi và áp dụng công nghệ phục vụ khảo sát, điều tra nhà ven kênh.

Trên cơ sở được giao, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thực hiện điều tra toàn bộ thửa đất, căn nhà đối với các hộ gia đình, cá nhân hiện đang là chủ sở hữu đất, nhà hoặc đang cư trú tại nhà ở trên và ven sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố với khoảng 46.452 căn. Cụ thể là tập trung tại địa bàn 17 quận, huyện như quận 4, 5, 6, 7, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ và thành phố Thủ Đức.

Ranh giới phạm vi điều tra cần xác định là các thửa đất, căn nhà nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, điều tra mở rộng một phần trong tất cả các thửa đất, căn nhà khác nằm trong hành lang mở rộng biên hoặc trong khu vực dự kiến thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị do các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Bên cạnh đó, ngày 2/1/2025, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh về “Đề cương Đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông kênh rạch trên địa bàn Thành phố, thực hiện chỉnh trang đô thị và Đề án di dời, bố trí tái định cư, nhà ở xã hội cho các hộ dân trên và ven kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận 8”. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc trong công tác đền bù hỗ trợ và thúc đẩy tiến độ di dời.

Được biết, trong nhiều năm nay, hàng chục nghìn hộ dân vẫn sống chen chúc trong các căn nhà lụp xụp, tạm bợ tại những con kênh, rạch ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Xuyên Tâm, Kênh Đôi, Văn Thánh… Vì vậy, đối với những hộ dân này, việc được chuyển đến nơi ở mới, an toàn và tiện nghi hơn là một giấc mơ, nhưng cũng là nỗi lo âu khi đối mặt với các vấn đề về đền bù và sinh kế.

Tuy nhiên, trong số này số căn đã được bồi thường, giải tỏa và hỗ trợ hoặc tái định cư còn rất hạn chế, khiến không ít người dân sống ven các kênh rạch gặp không ít khó khăn. Hiện tại, các đơn vị chức năng đang xác minh hồ sơ pháp lý và nguồn gốc sử dụng đất, với dự kiến ban hành quyết định thu hồi đất đối với các hộ còn lại theo quy định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Vì vậy, theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, việc bồi thường bị chậm trễ do pháp lý phức tạp, dẫn đến nhiều khiếu nại và sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng. Điều này đã khiến quá trình di dời nhà trên và ven kênh rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chậm chạp và kéo dài qua nhiều năm.

Bình An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-quyet-tam-di-doi-gan-46500-can-nha-o-ven-kenh-rach-392364.html
Zalo