Tái chế thủy tinh thành đồ trang trí nội thất và quà tặng đẹp mắt

Thủy tinh là một trong những loại rác thải khó tái chế nhất. Có thể thấy rất nhiều tổ chức hướng đến môi trường, tái chế các loại rác thải nhựa, rác thải điện tử... nhưng rác thải thủy tinh thì chưa được quan tâm nhiều.

 Thủy tinh vỡ đã tạo nên sản phẩm dùng để trang trí nội thất hay làm quà tặng đẹp mắt

Thủy tinh vỡ đã tạo nên sản phẩm dùng để trang trí nội thất hay làm quà tặng đẹp mắt

Thủy tinh để trong môi trường tự nhiên gần như sẽ không phân hủy. Những mảnh vỡ của thủy tinh gây ô nhiễm vật lý cho con người và sinh vật sống. Chính vì điều này, anh Lê Hoài Nam (Q.Hà Đông, Hà Nội) đã sáng tạo những bức tranh tuyệt đẹp từ việc tái sử dụng thủy tinh vỡ. Các thành phẩm này được dùng để trang trí nội thất hay làm quà tặng tạo nên vòng đời rực rỡ và ý nghĩa hơn cho thủy tinh.

Nhớ lại những bức tranh đầu tiên bằng thủy tinh tái chế khi bắt đầu thực hiện, Lê Hoài Nam cho biết, bức đầu tiên là tranh phong cảnh đơn giản và anh đã làm mất khoảng 40 tiếng, tính cả thời gian gia công và mài mòn thủy tinh. Ban đầu, anh sử dụng các chai bia, chai lọ nước mắm, gia vị đã không còn sử dụng, bắt đầu gia công, mài mòn, sau đó phác họa tranh và gắn thủy tinh lên.

Một sản phẩm từ thủy tinh tái chế

Một sản phẩm từ thủy tinh tái chế

"Chính tình yêu môi trường và mong muốn lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường đến mọi người, tôi đã quyết tâm làm những sản phẩm đầu tiên để truyền thông và lan tỏa đến nhiều người hơn nữa", anh Nam chia sẻ.

Quá trình tái chế thủy tinh đã khó, để làm nên những bức tranh có hồn lại càng khó hơn. Anh Nam phải tìm cách làm sao để mảnh thủy tinh khi xử lý phải phù hợp với tranh vẽ, đồng thời phải đảm bảo mài mòn để không gây nguy hiểm. Một điều nữa mà anh thấy khá khó khăn là các mảnh vụn trong quá trình xử lý không thể gắn lên tranh vì quá nhỏ, khiến việc tái chế thủy tinh không được xử lý triệt để.

Sau một thời gian, anh Nam cũng đã tìm ra giải pháp. Anh tìm ra các dụng cụ, máy móc hữu dụng để mài mòn thủy tinh. Sau khi cắt xén phù hợp với tranh sẽ có máy để mài bằng tay giúp cho thủy tinh gắn lên tranh không gây nguy hiểm. Với các mảnh vụn không thể tái chế thành tranh, anh sử dụng để đúc và tái chế thành các vật dụng decor như lọ trồng cây hoặc tượng Phật decor...

Sau một năm miệt mài tìm vòng đời mới cho những chai thủy tinh bị vứt bỏ, anh Nam đã cùng các đồng sự yêu môi trường, yêu nghệ thuật thành lập một dự án mang tên Hành trình xanh.

Từ chai lọ thủy tinh bỏ đi, những chai còn nguyên, Hành trình xanh sẽ tái sử dụng để trồng cây, hay làm cốc nước... Những mảnh vỡ được gia công, xử lý mài mòn và sáng tạo thành những bức tranh nghệ thuật. Đối với các mảnh vụn nhỏ không thể gắn lên tranh thì tận dụng đúc thành vật dụng decor để tận dụng hoàn toàn những chai lọ, mảnh thủy tinh đã qua sử dụng.

Các sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người

Các sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người

Chia sẻ về các công đoạn gia công sản phẩm tranh thủ công tái chế thủy tinh, anh Nam cho biết, ban đầu nghệ nhân sẽ phác họa và vẽ tranh lên khung. Các mảnh vỡ thủy tinh sẽ được làm sạch và cho vào máy rung để mài mòn. Để xử lý mài mòn thủy tinh sẽ mất gần 36 giờ. Các mảnh thủy tinh đã mài mòn sẽ được cắt xén phù hợp với tranh và vừa mắt thẩm mỹ của họa sĩ làm tranh. Khi cắt xén có những chỗ bị sắt nhọn sẽ đưa vào máy mài rồi mới gắn lên tranh. Sau khi hoàn thiện sẽ phủ một lớp thủy tinh hữu cơ.

Hiện Hành trình xanh đang xây dựng một dự án mới là Công viên tái chế trải nghiệm - một không gian xanh độc đáo kết hợp giữa vui chơi, học tập và thực hành tái chế. Mong muốn của dự án là giáo dục cộng đồng về môi trường, cách tái chế vật liệu, phát triển kỹ năng sống, giúp trẻ nhỏ phát triển kỹ năng sáng tạo và ý thức bảo vệ môi trường.

"Với tình yêu môi trường cũng như mong muốn lan tỏa tới cộng đồng, phát triển môi trường bền vững, Hành trình xanh sẽ liên tục sáng tạo và phát triển những ý tưởng về tái chế và phát triển bền vững đúng theo châm ngôn của chúng tôi: Tái chế sáng tạo - Bền vững tương lai", anh Nam chia sẻ.

Anh Lê Hoài Nam và các thành viên Hành trình xanh cũng hy vọng, ngày càng có nhiều bạn trẻ sáng tạo nghệ thuật từ việc tái chế, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến môi trường.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tai-che-thuy-tinh-thanh-do-trang-tri-noi-that-va-qua-tang-dep-mat-20250122191941687.htm
Zalo