Duyệt 9 khu vực phát triển đô thị ở Thủ Đức
Không gian TP. Thủ Đức (TPHCM) được chia thành 9 khu vực phát triển, trong đó phân vùng số 1 thuộc các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú sẽ là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa của TPHCM, khu vực và có vị thế quốc tế; khu đô thị hỗn hợp gắn với cảnh quan sinh thái ngập nước ven sông Sài Gòn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định 202/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức (TPHCM) đến năm 2040. Theo đó, quy mô lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính của TP.Thủ Đức với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.157 ha.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển TP.Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế TPHCM, vùng đô thị TPHCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.
Đồ án xác định rõ, TP.Thủ Đức có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với các khu vực trong TPHCM và các đô thị trọng điểm trong vùng Đông Nam bộ bằng các phương thức đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng…
TP.Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TPHCM; trung tâm phía Đông của TPHCM về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. TP.Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển; tập trung vào các lĩnh vực giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, tài chính và thương mại dịch vụ; có vai trò là hạt nhân trong đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số của TPHCM, vùng Đông Nam bộ và vùng đô thị TPHCM…
Dự kiến đến năm 2030, đất xây dựng toàn đô thị TP.Thủ Đức khoảng 16.200 - 16.500 ha (trung bình khoảng 89 - 90 m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 12.000 - 12.200 ha (trung bình khoảng 66 - 67 m2/người); quy mô dân số khoảng 1.500.000 người - 1.825.000 người.
TP.Thủ Đức sẽ phát triển trung tâm tài chính quốc gia, có vai trò quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm; bảo đảm việc tổ chức không gian đô thị, cung ứng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa các dịch vụ tài chính cho nền kinh tế quốc gia; tiếp tục đầu tư và bổ sung xây dựng mới khu trung tâm dịch vụ thương mại, hội chợ, triển lãm gắn với 11 trọng điểm phát triển của TPHCM, các khu vực đầu mối giao thông công cộng và tại các khu đô thị.
TP.Thủ Đức sẽ tổ chức không gian sản xuất công nghiệp, công nghệ cao. Tiếp tục nâng cấp, phát triển khu công nghệ cao hiện hữu, quy mô khoảng 913 ha, theo hướng kết nối hoạt động sản xuất, tập trung nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo để dẫn dắt trình độ công nghệ của khu vực và quốc gia; xây dựng khu Công viên Khoa học và Công nghệ TPHCM tại phường Long Phước với quy mô diện tích khoảng 194,8 ha.
9 khu vực phát triển
Theo quy hoạch, TP.Thủ Đức sẽ phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp chức năng cảng cạn tại các khu vực cảng hàng hóa, khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, chế xuất với quy mô khoảng 400 - 450 ha, gồm trung tâm Logistics Long Bình, trung tâm Logistics Cát Lái, trung tâm Logistics Linh Trung, trung tâm Logistics Khu Công nghệ cao; khuyến khích nghiên cứu phát triển chức năng logistics tại Khu Công viên Khoa học và Công nghệ TPHCM, khu đầu mối giao thông, theo nhu cầu phát triển.
Quy hoạch hệ thống bến xe ô tô hàng và bến hàng hóa để hỗ trợ cho dịch vụ logistics và sản xuất, kinh doanh, trên địa bàn TP.Thủ Đức, với quy mô khoảng 120 - 130 ha; tổ chức giao thông vận tải tại các trung tâm logistics, cảng cạn và bến hàng hóa được phân tách với giao thông đô thị và bảo đảm kết nối vận tải đường thủy quốc gia và quốc tế...
Quyết định nêu rõ, không gian TP.Thủ Đức được chia thành 9 khu vực phát triển, trong đó phân vùng số 1 thuộc các phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông, Thảo Điền và một phần các phường An Khánh, An Phú sẽ là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, văn hóa của TPHCM, khu vực và có vị thế quốc tế; khu đô thị hỗn hợp gắn với cảnh quan sinh thái ngập nước ven sông Sài Gòn; có vai trò không gian kết nối TP.Thủ Đức với khu trung tâm hiện hữu TPHCM.
Phân vùng số 2 thuộc phường Hiệp Bình Chánh và một phần các phường Linh Đông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Tam Bình; là khu trung tâm mới của TPHCM gắn với trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ thương mại; có vai trò cửa ngõ của TP.Thủ Đức gắn với bến thủy du lịch tại Trường Thọ và đầu mối quản lý, điều tiết thoát nước mưa…
Cùng với đó, phân vùng số 4 bao gồm phường Long Bình và một phần các phường Tân Phú, Long Thạnh Mỹ, là trung tâm văn hóa gắn với vui chơi giải trí của TPHCM; trung tâm công nghiệp cảng và dịch vụ hậu cần cảng gắn với sông Đồng Nai; có vai trò khu vực cửa ngõ phía Đông của TPHCM, kết nối với các khu vực đô thị, công nghiệp tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Phân vùng số 5 thuộc phường Long Phước và một phần các phường Trường Thạnh, Long Trường là trung tâm đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao gắn với nghiên cứu, đào tạo; có vai trò là khu vực cửa ngõ kết nối TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phân vùng số 7 thuộc phường Bình Trưng Tây và một phần các phường An Khánh, An Phú, Phú Hữu, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi là trung tâm TP. Thủ Đức hiện hữu; không gian kết nối các khu vực động lực của TPHCM, gồm cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm…