Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu huy động 620.000 tỷ đồng đầu tư toàn xã hội
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội đạt 620.000 tỷ đồng năm 2025, trong đó vốn nhà nước 156.240 tỷ đồng; vốn ngoài nhà nước 401.760 tỷ đồng, vốn FDI 62.000 tỷ đồng.

Cầu Tân Kỳ Tân Quý bắc qua kênh Tham Lương, kết nối trực tiếp Quốc lộ 1. (Ảnh: TTXVN phát)
Năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội đạt 620.000 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ, giải pháp đã được thành phố lên kế hoạch triển khai để huy động nguồn lực rất lớn này nhằm đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn.
Theo kế hoạch vừa được ban hành, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội đạt thấp nhất 600.000 tỷ đồng, phấn đấu đạt 620.000 tỷ đồng trong năm 2025; trong đó, nguồn vốn nhà nước là 156.240 tỷ đồng; nguồn vốn ngoài nhà nước là 401.760 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 62.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố cũng đặt chỉ tiêu đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1%/GRDP trở lên; đồng thời kêu gọi xã hội hóa tham gia các dự án đầu tư lĩnh vực giao thông (5 dự án BOT, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài), nhà máy xử lý chất thải rắn Tây Bắc cùng các dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, giáo dục, y tế.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các nguồn lực này sẽ ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng.
Nguồn lực cũng giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án Vành đai 3, Vành đai 4, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án Lotte Eco Smart City.

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Nguồn: Vietnam+)
Với nguồn vốn nhà nước khoảng 156.240 tỷ đồng (chiếm 25,2%), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phân bổ hợp lý nguồn vốn từ ngân sách, sử dụng hợp lý nguồn vốn nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Nguồn vốn này ưu tiên phân bổ cho các công trình, dự án có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các dự án khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.
Trong số đó, thành phố sẽ triển khai các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi để huy động và cân đối vốn ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển; thực hiện có hiệu quả ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Đồng thời, tăng cường giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp kém hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng giao các sở ngành, chủ đầu tư chủ động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, nâng cao năng lực quản lý và phối hợp triển khai dự án từ nguồn vốn này; tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước khoảng 401.760 tỷ đồng (chiếm 64,8%), Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cải thiện mạnh môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân bỏ vốn đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đảm bảo minh bạch, thông thoáng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Thành phố huy động tối đa nguồn lực xã hội, thực hiện xã hội hóa đầu tư (các dự án PPP), phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn (khoảng 30% được đưa vào đầu tư).
Thành phố sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu các dự án phát triển hạ tầng mà thành phố quan tâm phát triển đến các tổ chức tín dụng, chủ đầu tư dự án phát triển hạ tầng; thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Các giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư của hộ kinh doanh, hợp tác xã, cá nhân cũng sẽ được triển khai.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thành phố Hồ Chí Minh triển khai giải pháp của Đề án nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030 để thu hút khoảng 62.000 tỷ đồng (10%).
Thành phố thúc đẩy và kêu gọi đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên nhà đầu tư chiến lược; trong đó có các dự án trong lĩnh vực cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới.
Thành phố cũng chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận 84 dự án thuộc danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025; chủ động chuẩn bị, thực hiện quy trình thủ tục để thu hút đầu tư đối với 11 khu vực dự kiến thực hiện mô hình TOD với tổng diện tích trên 1.107ha./.