Thành phố Hồ Chí Minh: Biển người háo hức chờ khai mạc đại lễ
Rạng sáng ngày 30-4, hàng chục nghìn người đã có mặt trên các con phố khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, háo hức chứng kiến màn diễu binh, diễu hành mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sắp diễn ra.

Bến Bạch Đằng đông nghịt người chờ khai mạc đại lễ. Ảnh: Thu Hà.
Rạng sáng 30-4, các ngả đường xung quanh khu vực đường Lê Duẩn (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) đông nghịt người đứng chờ đến giờ khai mạc Lễ diễu binh, diễu hành mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù đông, ai nấy đều tuân thủ nghiêm chỉnh chỉ dẫn của nhân viên an ninh. Mọi người đều rất háo hức chờ đến giờ được tận mắt chứng kiến đại lễ.
Trước đó, từ đêm qua, các con phố trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã đông nghịt người dân và du khách. Cùng với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, tất cả cùng góp phần làm nên một đêm trắng chờ đón đại lễ mừng 50 năm thống nhất.

Khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã có một đêm trắng thực sự, chờ đón đại lễ 30-4. Ảnh: Phương Nam.

Trên đường Nam Kỳ khởi nghĩa, người đi đường và người dân ngồi chờ diễu binh, diễu hành vui vẻ vẫy chào nhau. Ảnh: Phương Nam.

Một nơi khác, nhóm du khách tranh thủ chụp những kiểu ảnh lưu niệm, ghi lại một đêm đáng nhớ. Ảnh: Phương Nam.
Nhóm 3 bạn Thanh Thủy, Ngọc Diệp, Lê Nhân có mặt tại đây từ đêm qua. Trong số này, Thanh Thủy nhiều “kinh nghiệm” nhất vì cô sinh viên Trường Đại học Văn Lang thành phố Hồ Chí Minh đã có kinh nghiệm “đu concert” cả hôm sơ duyệt, tổng duyệt và nay là chính lễ.
“Em biết đi hướng nào, gửi xe ở đâu, bố trí ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân ra sao… nên còn hướng dẫn cho mọi người lựa chọn nữa. Em đang rất háo hức chờ đến đại lễ”, Thủy nói.

3 cô gái Thanh Thủy, Ngọc Diệp và Lê Nhân háo hức chờ đến giờ khai mạc. Ảnh: Phương Nam.
Thủy chia sẻ: “Điều em ấn tượng nhất về dịp này là không khí tưng bừng, dường như làm ai cũng thêm phấn khích. Em nhớ mãi hình ảnh sáng sớm hôm tổng duyệt, khi trời còn mờ sáng, có người vẫn ngái ngủ, nhưng lúc nhạc hành khúc nổi lên, mọi người đều bật dậy hào hứng hát theo. Lúc quốc ca vang vọng, tất cả cùng đứng lên hát. Lúc đó em tự hào, xúc động lắm….”
Còn Ngọc Diệp, cô nữ sinh Trung học có cảm nhận khác: “Em thấy có những người cõng mẹ đi xem. Có những bác thương binh phải ngồi xe lăn, vẫn có mặt tại khu vực đại lễ cùng con cháu... Khi các khối quân nhân đi qua, một sự oai phong đẹp tuyệt hiển hiện. Bỗng dưng, em thấy yêu hơn nữa cuộc sống này, mảnh đất này…”.

Không khí lễ hội trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đã diễn ra xuyên đêm. Ảnh: Thanh Tàu.
Lê Nhân ít nói hơn, cô gái Hà Nội này mới quen hai bạn trẻ miền Nam từ tối qua và họp ghép nhóm chờ đến giờ đại lễ. Năm 2021, cô từng có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh khi cùng đoàn nhân viên y tế tình nguyện vào đây hỗ trợ chống dịch Covid-19. Nay có dịp trở lại, Lê Nhân có nhiều cảm nhận rõ nét hơn về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
“Thời điểm chống dịch, thành phố vắng tanh. Em và các bạn chỉ mới có dịp lướt qua vài con phố trên đường từ chỗ nghỉ đến nơi làm. Nay được trở lại, sống giữa hơi thở sôi động của thành phố hiện đại, em cảm nhận rõ nhịp sống mới trẻ trung, đầy sức sống của thành phố Hồ Chí Minh đang trên đà phát triển. Và giờ còn được sống giữa bầu không khí náo nhiệt của đại lễ, em thấy mình may mắn và biết ơn rất nhiều những thế hệ đi trước đã đóng góp, hy sinh để đất nước hòa bình, thống nhất, cho em và các bạn hôm nay được hưởng trọn không gian tuyệt vời này”.

Gia đình chị Phạm Thu Hường đến dự đại lễ, Ảnh: Nguyễn Lê.
Tại đường Lê Duẩn, chúng tôi gặp và trò chuyện với vợ chồng chị Phạm Thị Thu Hường (giảng viên Đại học Y Hà Nội) cùng con gái học lớp 2 vào thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 28-4 để tham dự lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Chị Hường chia sẻ: "Cảm xúc lúc này lâng lâng khó tả. Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, thêm động lực phấn đấu để trở thành người công dân tốt hơn nữa, góp sức xây dựng quê hương, đất nước".
Cách khu vực đại lễ hơn 2km, dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng chạy dọc bến Bạch Đằng và trên cây cầu Ba Son bắc ngang sông Sài Gòn, hàng nghìn người đã có mặt từ đêm qua, nay đang háo hức chờ đến giờ khai mạc đại lễ. Đây là địa điểm được nhiều người lựa chọn, bởi vừa có thể ngắm những đoàn quân nhánh 2 diễu binh, diễu hành đi qua, vừa thỏa sức nhìn ngắm dàn máy bay bay lượn. Hơn thế nữa, tại đây, mọi người còn được chứng kiến 21 phát đại bác nổ vang chào đại lễ.

Ông Phan Trung Hậu (bên trái) và người bạn có mặt trên cầu Ba Son từ 3h sáng, chờ đại lễ. Ảnh: Hà Tuấn.
Trung tá Phan Trung Hậu, (70 tuổi, quê Nghệ An, nguyên Tiểu đoàn trưởng một đơn vị thuộc Trường cao đẳng Hải Quân) cùng người bạn đã có mặt tại cầu Ba Son lúc 3h sáng. Ông xúc động chia sẻ: “Đây là một dịp để nhắc nhớ lại những ký ức hào hùng về chiến thắng 30-4, gợi nhớ ký ức xưa cho những cựu chiến binh như chúng tôi và giúp thể hệ trẻ hôm nay biết trân trọng hơn về truyền thống hào hùng của thế hệ cha ông đi trước, để từ đó ra sức phấn đấu xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh”.
Trời dần sáng, giờ khai mạc Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang đến gần. Hàng chục nghìn người có mặt tại địa điễm diễn ra đại lễ và trên các con phố mà lát nữa, 5 cánh quân sẽ đi qua, đang háo hức chờ đến giờ được chứng kiến một sự kiện lịch sử của thành phố, của đất nước ta...