Chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 273 và dấu ấn lịch sử ngày toàn thắng
50 năm trôi qua kể từ ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, với ông Nguyễn Tiến Thưởng - người lính xe tăng năm xưa, ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử còn in đậm trong tâm trí...
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa!”

Những tư liệu về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và đồng đội luôn được ông Nguyễn Tiến Thưởng trân trọng lưu giữ. Ảnh: Ngọc Tân
Trong căn nhà nhỏ ở phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, người cựu binh nay đã ngoài 80 tuổi kể lại những ngày tháng hào hùng với ánh mắt rạng ngời, giọng nói đậm khí thế tiến lên của người lính xe tăng...
Ông Nguyễn Tiến Thưởng sinh năm 1941, nguyên là chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 273 - Quân đoàn 3 Tây Nguyên. Cách đây nửa thế kỷ, ông cùng đồng đội là những chiến sĩ của Binh đoàn Bộ binh cơ giới đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch đã khép lại một giai đoạn đau thương, mở ra thời kỳ hòa bình, thống nhất cho dân tộc.
Ông Thưởng kể lại: Thời điểm ấy, không khí sục sôi, cả dân tộc đồng lòng, dốc sức cho mục tiêu cao nhất: Thống nhất đất nước. Khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng chi viện cho chiến trường. Hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường ra trận. Từ hậu phương đến tiền tuyến, từ đồng bằng đến miền núi, khắp nơi đều một lòng hướng về miền Nam ruột thịt.
Ngày 26-4-1975, Lữ đoàn xe tăng 273 làm lễ xuất quân. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, lá cờ Quyết thắng được trao cho từng xe, những tiếng hô “Quyết tâm giành toàn thắng!” vang vọng như lời thề sắt son. Nhiệm vụ của đơn vị là phối hợp với các lực lượng bộ binh đánh chiếm các mục tiêu then chốt: Từ Đồng Dù, Hóc Môn, Quân trường Quang Trung đến ngã ba Bà Quẹo, rồi tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn qua ngã tư Bảy Hiền, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất.

Đoàn viên, thanh niên phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) nghe ông Nguyễn Tiến Thưởng kể về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ảnh: Ngọc Tân
Trong chiến dịch thần tốc chỉ kéo dài 5 ngày, từng giờ, từng phút đều mang ý nghĩa quyết định. Rạng sáng 29-4, khi pháo binh ta dồn dập trút đạn xuống căn cứ Đồng Dù, đơn vị C9/D3 đi đầu đã sử dụng 6 xe tăng M41 và M48 thu được của địch từ Tây Nguyên để vượt cầu Bông - tuyến đường độc đạo vào thành phố; phối hợp cùng lực lượng đặc công và bộ binh ém sẵn, các chiến sĩ nhanh chóng mở toang cánh cửa cho binh đoàn cơ giới tiến vào Sài Gòn.
Ngày 30-4, trận đánh quyết định diễn ra. Tại ngã tư Bảy Hiền, xe tăng địch tràn ra đối đầu. Xe tăng số 985 do trưởng xe Mai Trọng Hoạt, lái xe Phùng Văn Tỉnh, pháo thủ Nguyễn Tiến Phúc điều khiển, đã lao thẳng vào đối phương khiến địch bỏ xe, tháo chạy. Trên hướng tiến về Bộ Tổng tham mưu, địch cố thủ quyết liệt ở khu vực Lăng Cha Cả. Ba xe tăng của ta bị bắn cháy. Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Trường anh dũng hy sinh trên tháp pháo khi chiến đấu bằng súng 12,7 ly. Nhưng lớp sau lại tiến lên thay lớp trước, không phút chần chừ.
Đến 10h ngày 30-4, Lữ đoàn 273 đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch ở khu vực Lăng Cha Cả. Chiếc xe thiết giáp số 001 do đồng chí Nguyễn Bá Lưu chỉ huy đã lăn xích đầu tiên lên thềm sảnh chính Bộ Tổng tham mưu địch. Lúc ấy, toàn đơn vị thu giữ cờ, kiếm của Đại tướng Cao Văn Viên và cả một chiếc trực thăng đậu sẵn trong sân.
11h30 phút trưa cùng ngày, Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
"Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn 273 đã hy sinh 32 cán bộ, chiến sĩ và hàng chục người bị thương. Đơn vị mất 8 xe tăng và một xe thiết giáp. Lữ đoàn được Bộ Tư lệnh Chiến dịch đánh giá là đơn vị hoàn thành đặc biệt xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Chiến thắng ấy phải đánh đổi bằng máu, bằng mạng sống của biết bao đồng đội”, ông Thưởng nghẹn ngào.
Ông kể lại khoảnh khắc sau tiếng súng cuối cùng lặng đi, người dân Sài Gòn từ khắp các ngả đường ùa ra. Những bó hoa, tiếng hò reo, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng. Quanh những chiếc xe tăng bám đầy bùn đất, khói thuốc còn chưa tan hết là vòng vây của những cánh tay reo mừng chiến thắng. Một thời khói lửa đã lùi xa, nhưng tình cảm nhân dân với người lính giải phóng thì mãi còn đó.
Tự hào quá khứ - vững bước tương lai

Ông Nguyễn Tiến Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng thế hệ trẻ Sơn Tây tại buổi gặp mặt do thị xã tổ chức ngày 25-4. Ảnh: Ánh Dương
Giờ đây, ở tuổi 84, ông Thưởng không chỉ là nhân chứng lịch sử, mà còn là người truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ Sơn Tây. “Chiến thắng 30-4 là biểu tượng rực rỡ của tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập và khát vọng hòa bình. Thế hệ chúng tôi luôn nhắc nhau rằng, còn sống là còn cống hiến", ông Thưởng nói.
Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông cùng các cựu chiến binh thị xã Sơn Tây tiếp tục góp sức xây dựng quê hương. Ông Thưởng xúc động chia sẻ: “Sơn Tây hôm nay đổi thay từng ngày. Đô thị khang trang, không còn hộ nghèo, kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Chúng tôi tự hào vì có phần nhỏ bé của mình trong hành trình ấy. Tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển phồn vinh, sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Những hy sinh của đồng đội tôi sẽ không bao giờ vô nghĩa".
Là hội viên Chi hội 7, Hội Cựu chiến binh phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), ông Thưởng là tấm gương sáng trong đời thường - một cựu chiến binh luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia công tác địa phương, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, ông Thưởng tiếp tục chăm sóc gia đình và cống hiến cho quê hương Sơn Tây. Ảnh: Ngọc Tân
Ở ông là sự kết tinh của thế hệ “đi qua cuộc chiến, trở về làm người tử tế” - những người anh dũng giành độc lập cho Tổ quốc và nhiệt huyết xây dựng quê hương thời hòa bình. Những câu chuyện của ông Thưởng không chỉ là tư liệu quý giá về lịch sử, mà còn là ngọn lửa nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lý tưởng sống đẹp trong thế hệ trẻ. Đặc biệt, tinh thần ấy là một trong những nguồn lực tạo sức mạnh tổng hợp cho dân tộc ta tiếp tục thực hiện những sứ mệnh to lớn hơn.