Thành phố Hà Nội đang đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí trong hôm nay

Hôm nay (30/12), Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất trên thế giới theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir.

Theo dõi qua các ứng dụng ngày hôm nay (30/10), Hà Nội có mức ô nhiễm không khí rất cao. Đến thời điểm 13h21’, thông tin trên hệ thống theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực IQAir cho thấy Hà Nội là thành phố đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình là 211 - mức rất không tốt (màu tím - chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng).

 Hà Nội đứng đầu các thành phố ô nhiễm vào đầu chiều nay 30/12 (ảnh chụp màn hình ứng dụng IQAir).

Hà Nội đứng đầu các thành phố ô nhiễm vào đầu chiều nay 30/12 (ảnh chụp màn hình ứng dụng IQAir).

Hàng loạt các điểm quan trắc cũng có chỉ số AQI trên 200 như: Quảng Khánh (Tây Hồ), Tô Ngọc Vân (Tây Hồ), Lê Duẩn (Hoàn Kiếm), Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy),...

Nồng độ PM2.5 (nồng độ bụi mịn trong không khí) tại Hà Nội hiện là 163 µm/m3, cao gấp 32,5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Theo WHO, PM2.5 là chất gây ô nhiễm phổ biến và nguy hiểm. Với kích thước 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, các hạt bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu, gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300), đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

 Nồng độ bụi mịn trong không khí tại Hà Nội cao, khiến nhiều khu vực mù mịt (ảnh minh họa).

Nồng độ bụi mịn trong không khí tại Hà Nội cao, khiến nhiều khu vực mù mịt (ảnh minh họa).

Nếu phải tham gia giao thông, người dân nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Đối với những người nhạy cảm (phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, trẻ nhỏ), cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-pho-ha-noi-dang-dung-dau-the-gioi-ve-o-nhiem-khong-khi-trong-hom-nay-post328191.html
Zalo