Cảnh báo tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Do hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, việc dị ứng với thực phẩm là không thể tránh khỏi, trong đó dị ứng đạm sữa bò là tình trạng khá phổ biến.
Trẻ nữ N.T.K.A. (13 tháng tuổi, Hà Nội) đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Tây Hồ khám với tình trạng mẩn đỏ vùng mặt, quanh miệng, sưng môi, nôn trớ ra sữa sau khi uống 120ml sữa công thức.
Qua khai thác tiền sử, gia đình trẻ cho biết vào thời điểm khoảng 3 tháng tuổi, trẻ ăn sữa công thức một bữa, trong lúc ăn trẻ xuất hiện dấu hiệu mẩn đỏ quanh miệng nên cho dừng, sau đó mẩn tự hết. Sau đó, trẻ không ăn lại sữa công thức và được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Khoảng 10 tháng tuổi, mẹ bé cho dùng lại sữa công thức (khoảng 90ml), dấu hiệu nổi mẩn vùng miệng - môi và nôn trớ lại xuất hiện.
Các lần dị ứng trước đó gia đình đều tự ý dừng việc sử dụng sữa công thức cho trẻ mà không thực hiện thăm khám. Tới khi thấy tình trạng dị ứng tiếp diễn ở thời điểm 13 tháng tuổi và lo ngại về sức khỏe của con, gia đình mới đưa trẻ đi kiểm tra.
Sau thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử, bác sỹ chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng nhằm chẩn đoán xác định. Trong đó, xét nghiệm panel dị ứng cho kết quả dương tính với thành phần sữa bò (beta-lactoglobulin, albumin huyết thanh bò). Chẩn đoán xác định, trẻ mắc tình trạng dị ứng đạm sữa bò.
Sau khi xác định được chính xác căn nguyên của tình trạng dị ứng, bác sỹ đưa ra khuyến cáo cho gia đình về việc thay đổi chế độ ăn cũng như những lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ.
Sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của cơ thể bé có thể phản ứng với thành phần đạm trong loại thực phẩm này dẫn đến dị ứng.
Dị ứng đạm sữa bò là loại dị ứng thức ăn thường gặp nhất ở trẻ. Sau khi trẻ uống sữa hoặc các chế phẩm từ sữa vài phút đến vài giờ, cơ thể có thể có phản ứng dị ứng. Một số trẻ bú mẹ vẫn có khả năng bị dị ứng đạm bò. Nguyên nhân là do người mẹ sử dụng những sản phẩm từ bò, được truyền qua đường sữa mẹ.
Dị ứng là tình trạng phản ứng quá mức của hệ miễn dịch khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Khi trẻ uống sữa bò, hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại, khiến cơ thể tự động sản xuất ra kháng thể miễn dịch (IgE).
Ở những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể IgE trong cơ thể trẻ nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch dẫn tới một loạt các dấu hiệu dị ứng.
Tùy thuộc vào tình trạng dị ứng, cơ thể trẻ có các mức độ phản ứng khác nhau. Trong đó, phản ứng nhanh thường xảy ra trong vài phút tới hai giờ sau uống sữa, hoặc ăn các chế phẩm từ sữa.
Những phản ứng này có thể biểu hiện ở da (mề đay, sưng môi, sưng mi mắt...), hầu họng (khàn tiếng, khó nuốt...), đường hô hấp (hắt hơi, khò khè, khó thở), đường tiêu hóa (ói, đau bụng, tiêu chảy...). Những trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
Sốc phản vệ có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, hô hấp, da, tuần hoàn, tiêu hóa, thần kinh trung ương... gây sốc tim, trụy tim, tử vong chỉ trong thời gian ngắn.
ThS.Ngô Thị Cam, chuyên khoa Nhi, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, để hạn chế tình trạng dị ứng sữa, mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và có thể tiếp tục cho đến 24 tháng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý những thông tin quan trọng như trong trường hợp trẻ phải sử dụng sữa công thức thì cha mẹ lưu ý cho trẻ tập uống sữa với số lượng ít. Nếu thấy an toàn, cha mẹ có thể điều chỉnh tăng thêm lượng uống ở những lần tiếp theo.
Tuyệt đối không tự ý thay thế sữa bò bằng sữa dê, sữa cừu hay sữa đậu nành bởi chúng có thể gây dị ứng chéo với đạm bò.
Xem xét trẻ có xuất hiện tình trạng này với những chế phẩm từ sữa đã qua xử lý nhiệt. Có trường hợp trẻ dị ứng với tất cả các chế phẩm từ sữa bò như sữa chua, phô mai, bánh quy…
Lựa chọn sữa phù hợp để tránh tình trạng dị ứng ở bé như sữa thủy phân một phần, hoặc sữa thủy phân hoàn toàn, sữa amino acid.
Điều quan trọng đó là việc cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ tới các cơ sở y tế uy tín để được xác định cụ thể loại dị nguyên gây dị ứng và tính chất của dị nguyên đó, từ đó có phương án điều trị phù hợp, đạt hiệu quả.