'Thành phố đáng sống' tất bật đón Tết Ất Tỵ

Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Chương trình Xuân yêu thương 2025 với chủ đề 'Hương Tết xưa – Sắc Xuân nay' đã chính thức được khai mạc, với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, tái diễn Tết cổ truyền hấp dẫn tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) thu hút hàng nghìn khách du lịch, du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm không gian Tết Việt.

Nhiều không gian văn hóa Tết Việt cho du khách

Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, nhằm giới thiệu những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc để du khách tham quan, trải nghiệm góp phần làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, sự kiện của TP Đà Nẵng nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” tại bãi biển du lịch Đà Nẵng vào dịp trước Tết âm lịch, sự kiện đã được người dân và du khách đánh giá cao.

Đường hoa và linh vật rắn tại Đà Nẵng hấp dẫn du khách tham quan.

Đường hoa và linh vật rắn tại Đà Nẵng hấp dẫn du khách tham quan.

Chương trình Xuân yêu thương 2025 với chủ đề “Hương Tết xưa – Sắc Xuân nay” gồm nhiều hoạt động hấp dẫn diễn ra tại Công viên Biển Đông thu hút hàng nghìn du khách trong nước và nước ngoài tham gia, trải nghiệm.

Tết năm nay, cùng với việc quan tâm chăm lo Tết cho người dân nông thôn, UBND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tiếp tục tổ chức Lễ hội Tết Ất Tỵ 2025 tại 3 khu vực chính gồm: Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang, tuyến đường Quảng Xương, phố đêm Túy Loan với nhiều không gian văn hóa đặc sắc, trong đó có Không gian Tết Việt; không gian phiên chợ Tết xưa;… Tại không gian Tết Việt, mỗi xã sẽ tái hiện lại phiên chợ Tết xưa gồm cửa hàng mậu dịch, gian hàng áo dài, gian hàng chợ hoa và trưng bày, bán các sản phẩm đặc trưng ngày Tết của địa phương phục vụ nhân dân.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, lễ hội Tết năm nay nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống, giúp người dân hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền và các nghi lễ trong ngày Tết. Qua đó khơi dậy tình yêu quê hương nguồn cội, góp phần lưu giữ và phát huy những phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Bên cạnh Lễ hội Tết Ất Tỵ 2025, nhiều khu du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã lên kế hoạch tổ chức các chương trình lễ hội phục vụ du khách và người dân địa phương. Làng Toom Sara Đà Nẵng tổ chức chương trình “Tết Làng - Tết Lành” 2025 với mong muốn mang đến cho du khách và người dân một không gian đón Tết ấm cúng, ý nghĩa và đầy ắp các hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng. Đặc biệt, ngoài các trò chơi dân gian còn có chương trình sân khấu hóa không gian lễ hội của đồng bào Cơ Tu với sự trình diễn điệu múa tung tung - da dá trên nền nhạc cổ truyền và tiếng cồng chiêng thiêng liêng.

Rộn ràng làng hoa Tết

Những ngày qua, làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tấp nập từng đoàn xe của thương lái chở hoa đi khắp các điểm chợ hoa, hội hoa xuân của TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành lân cận.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, cho biết, chuẩn bị mùa hoa Tết năm 2025, toàn xã có 49 hộ trồng hoa các loại, trên tổng diện tích gần 8,5ha. Trong đó, riêng hợp tác xã Hoa Hòa Liên trồng khoảng 3ha, ước tính sẽ mang về doanh thu khoảng hơn 21 tỷ đồng. Số lượng chủ lực là: hoa cúc và một số loại hoa khác như hoa ly, hoa vạn thọ, thược dược và các loại hoa trong chậu treo như dạ yến thảo… Mặc dù thời gian đầu vụ, nhiều hộ trồng hoa bị ảnh hưởng bởi thời tiết và mưa lũ khiến một số hoa bị hư nhưng hiện nay hoa phát triển tốt, cây hoa nở đẹp hơn năm trước.

Tại vườn của nông dân Ngô Văn Nhật (thôn Vân Dương 1), gần 1.500 chậu hoa cúc pha lê đang bung nụ vừa được thương lái “chốt cọc”, chở đi. Số cúc còn lại, gia đình anh Nhật tiếp tục chuyển lên xe để kịp xuống chợ hoa xuân Đà Nẵng, đến tay người dân chơi Tết. Theo lời anh Nhật, căn cứ theo giá thị trường thời điểm này thì lái buôn hoa Tết đến vườn và đã đồng ý mua và đặt cọc mỗi cặp chậu cúc pha lê loại to nhất có giá hơn 1,5 triệu đồng, chậu trung bình 700 ngàn/cặp, chậu nhỏ 300 ngàn/cặp. Tính cả vườn hoa cúc nhà anh Nhật bán sỉ vụ hoa Tết này sẽ thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng…

Trên đồng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) những ngày cuối năm mưa phùn se se lạnh, ông Phan Đình Phùng - một người dân trồng hoa lâu năm chia sẻ, năm nay với diện tích hơn 4.000m2, ông đã trồng 30 nghìn chậu hoa cúc, dạ yến thảo, thu hải đường, sắc pháo, hướng dương, thược dược, đồng tiền… “Những ngày đầu xuống giống hoa, cứ mưa bão liên miên nên bà con rất vất vả, lo mất ăn mất ngủ. May là hơn một tháng nay thời tiết tốt, hoa phát triển mạnh, hơn hẳn các năm trước. Tuy giống, vật tư phân bón khá cao nhưng bà con đều hi vọng một vụ hoa Tết được mùa, được giá”, ông Phùng bộc bạch thêm.

Linh vật Rắn tại đường hoa Xuân của Đà Nẵng đến nay cũng đã hoàn thiện, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. Theo ghi nhận, linh vật rắn được thiết kế là rắn hổ mang, cao 4,5m, dài 8m và rộng 5m. Đây là 1 trong 2 linh vật được Đà Nẵng đặt hàng nghệ nhân Đinh Văn Tâm (Quảng Trị) chế tác. Hai linh vật này được đặt tại phía Tây cầu Rồng và khu vực đường hoa cầu chữ T.

Không chỉ có linh vật rắn, đường hoa Tết tại khu vực đuôi cầu Rồng còn có nhiều mô hình rắn lớn nhỏ, tạo không khí vui tươi, rộn ràng. Các tiểu cảnh hoa được sắp xếp khéo léo, kết hợp hài hòa với những đường nét uốn lượn mềm mại, mang đậm cảm hứng từ hình ảnh linh vật rắn.

Theo UBND TP Đà Nẵng, dự án trang trí hoa – điện chiếu sáng phục vụ Tết Nguyên đán 2025 tại Đà Nẵng có 14 vị trí trang trí hoa và 8 vị trí trang trí điện chiếu sáng, tổng mức đầu tư hơn 18 tỉ đồng, hiện đường hoa đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, chụp ảnh mỗi ngày. Không gian đường hoa Tết tại Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những điểm đến nổi bật nhất trong dịp Tết Nguyên đán năm nay...

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/thanh-pho-dang-song-tat-bat-don-tet-at-ty-i757279/
Zalo