Giữ 'mùi Tết' từ nghề làm hương truyền thống
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trên bàn thờ tổ tiên mỗi gia đình không thể thiếu những nén hương thơm ngát. Với hơn 300 năm tuổi, làng hương Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa như đang gìn gữ 'mùi tết' từ nghề làm hương.
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm hương Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông Đoàn Văn Mậu đã chứng kiến người thân bận rộn làm hương vào dịp giáp Tết. Tình yêu của ông với sản phẩm truyền thống của gia đình cứ thế lớn dần theo năm tháng. Đến nay ông đã có hơn 30 tuổi nghề và là hộ gia đình còn giữ nghề làm hương theo phương pháp thủ công truyền thống.
Theo ông Mậu, muốn tạo ra những nén hương bảo đảm độ cháy, thơm, giữ màu không chỉ đòi hỏi nguyên liệu đạt chuẩn mà còn trải qua nhiều công đoạn công phu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất là cách pha chế, pha đủ liều lượng, thành phần theo bí quyết gia truyền của gia đình.
“Công đoạn phơi hương chiếm nhiều thời gian, nếu trời nắng chỉ cần phơi một buổi là khô, nếu thời tiết âm u thì có thể mất đến 3 ngày hương mới khô. Hiện nay, đã có máy móc hỗ trợ trong nhiều công đoạn làm hương nhưng gia đình tôi vẫn chọn cách phơi nắng để sản phẩm khô tự nhiên. Đồng thời tận dụng các khoảng trống trên sân thượng của gia đình và hàng xóm liền kề để phơi và đảo hương khi nắng giúp hương khô nhanh hơn, đều màu hơn” ông Mậu chia sẻ.
Không chỉ vất vả trong khi sản xuất, người làm hương cũng bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm môi trường, bụi bẩn từ bột bài và mùn cưa trong công đoạn lăn bột, se hương. Thế nhưng người làm hương vẫn rất nhiệt huyết với nghề, bởi làm hương vừa giúp gia đình ổn định thu nhập, nâng cao đời sống, vừa lưu giữ được nghề truyền thống.
Đối với gia đình ông Mậu làm hương quanh năm nhưng vào dịp tết, lượng hàng sản xuất và bán ra vẫn nhiều nhất. Đây cũng là dịp bận rộn, mùa làm ăn của thợ hương.
Ông Mậu chia sẻ: “Vì làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên những ngày trời có nắng gia đình tôi mới làm và phơi hương, mỗi ngày sản xuất khoảng hơn một vạn cây. Cận Tết nhu cầu hương tăng cao nên gia đình cũng thuê thêm 1-2 nhân công phụ giúp hai vợ chồng làm để kịp cung ứng ra thị trường. Mỗi người một việc, người thì nhúng, vê hương, người se hương, người đóng hàng.”
Những ngày tết sẽ không thể thiếu được mùi thơm thiêng liêng của những nén hương đầy dư vị Tết. Mỗi nén hương được làm ra đều mang theo sự tỉ mỉ, khéo léo và sự thành kính của người làm nghề, thơm ngát nơi thờ tự, mang lại sự bình yên, ấm cúng, góp phần giữ gìn nghề truyền thống và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Làng hương Đông Khê có tuổi đời trên 300 năm. Từ đó đến nay, làng nghề vẫn tồn tại và duy trì nhờ vào thương hiệu hương sạch, đảm bảo chất lượng, dù thị trường đang bị bão hòa bởi những sản phẩm tẩm hóa chất hoặc pha trộn nguyên liệu khác để giảm giá thành.