Kỳ 2: Đoàn kết - tự nhiên và trong sáng
ĐTO - Hầu hết người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng, người Việt Nam nói chung không những chỉ thuộc lòng lời chỉ dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, mà còn thực hành nó như lẽ sống trong mỗi hoạt động hàng ngày. Hơn thế, tinh thần đoàn kết của người Đồng Tháp thể hiện một cách chân thành, tự nhiên và sự vô tư, trong sáng. “Vốn quý” này cần được tôn vinh, khai thác và nhân lên để “sinh lợi” trong quá trình xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
>> Kỳ 1: Yêu nước - nguồn lực của thịnh vượng
Hiểu một cách đơn giản “đoàn kết” là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Còn đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi (về thành phần, quy mô, lực lượng). Trái ngược với đoàn kết là sự chia rẽ. Ở người Đồng Tháp, đoàn kết như một sự tự thân, tự nhiên và vô tư, trong sáng. Tính “tự nhiên thành” đoàn kết của người Đồng Tháp bị quy định bởi những cộng đồng người Việt đến vùng đất này nhằm tìm kiếm sự tồn tại, an cư và đổi đời. Nó được bồi đắp và nhân lên qua quá trình lịch sử thăng trầm của cuộc chinh phục thiên nhiên, chiến tranh chống ngoại xâm và các quyết sách của chính quyền đối với vùng đất này.
Ngay từ giai đoạn ban đầu và mãi về sau, các nhóm người Việt ở khắp nơi đến mảnh đất Đồng Tháp nhằm “tìm kế sinh nhai” và “an cư lạc nghiệp”. Để chinh phục được vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh” này, họ phải “Tắt lửa tối đèn có nhau”. Và ngay trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh ấy, họ cũng có nhu cầu: “Buôn có bạn, bán có phường”.
Sợi dây đoàn kết của người Đồng Tháp được gia tăng do “cùng một chiến hào” trong cuộc kháng chiến lâu dài với cường quyền và các thế lực ngoại xâm. Giai đoạn đặc biệt này, “tình đồng chí” còn cao hơn tình ruột thịt. Bên cạnh tính khách quan ấy, tinh thần đoàn kết của người Đồng Tháp được nuôi dưỡng từ trong truyền thống người Việt - “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Và từ khi có Đảng lãnh đạo, ý thức về đoàn kết của người Đồng Tháp được tăng cường thông qua học tập và hoạt động thực tiễn. Họ nhận thức được tính tất yếu và sức mạnh của đoàn kết. Chính nhờ sử dụng sức mạnh ấy, người Đồng Tháp đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đánh đuổi đế quốc Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Và cũng từ đây, các tầng lớp người Đồng Tháp “vai kề vai” tiếp nối cuộc hành trình chinh phục vùng đất hoang vu, biến nó thành nơi trù phú.
Tất cả những yếu tố khách quan và chủ quan nêu trên định hình căn bản đặc điểm về sự đoàn kết vô tư trong sáng của người Đồng Tháp. Người Đồng Tháp đoàn kết vô tư, không vụ lợi, sống với nhau chủ yếu bằng tình nên “trọng nghĩa, khinh tài”. “Báu vật” này cần tiếp tục nghiên cứu để phát triển trong thời kỳ hội nhập với nhiều mặt phức hợp của nó. Tuy có chung tâm lý tư hữu của nông dân và lối sống “sau lũy tre làng”, nhưng người Đồng Tháp ít bị hiềm khích và cô lập. Do canh tác trên những cánh đồng bao la và đánh bắt nhiều sản vật “trời cho” phong phú, họ trở nên rất hào phóng. Ngoài ra, chính quyền qua các thời kỳ với các chính sách chia trị mà nhất là những lần “cải cách ruộng đất”, cộng đồng người Đồng Tháp bị xáo trộn, ít phân tầng. Các nội dung ấy lại là một trong những “mầm” sẽ tiếp tục nảy nở trong mảnh đất “Đại đoàn kết toàn dân tộc” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trong thời đại mới, nhiều yếu tố phức hợp tạo nên sự đoàn kết và chia rẽ mạnh mẽ. Lợi ích về phát triển kinh tế sẽ gắn kết mọi người, nhưng sự cạnh tranh của nó gây sự phân hóa và cách biệt sâu sắc; hội nhập sâu rộng của thế giới làm cho con người hiểu biết lẫn nhau, nhưng sự dị biệt và cực đoan làm con người cô độc và tấn công lẫn nhau; công nghệ thông tin giúp con người mở rộng tầm nhận thức, nhưng gây nhiễu loạn và lầm lẫn... Bên cạnh nhân tố khách quan ấy, những nhận thức lệch lạc, tình cảm tiêu cực và thói quen xấu của con người khuấy động những rạn nứt; các thế lực xấu khuynh đảo dư luận để “đục nước béo cò”... Do vậy, cùng với tinh thần cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với những gì xấu xa, tiêu cực, mỗi người cần nâng cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung (lợi ích Quốc gia, dân tộc), mở rộng tầm nhìn, đặt mình vào vị trí người khác... để có thể suy nghĩ cởi mở, thông cảm và vị tha. Riêng đối với người Việt Nam ở Đồng Tháp, “đặc sản” đoàn kết nên được khai thác, phát triển và nhân rộng hơn nữa mà nhất là sự chân thành trên cơ sở tình yêu.
Người Đồng Tháp hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vì ý nghĩa to lớn của nó, mà còn bởi đó là điều vốn có. Vượt hơn sự nỗ lực, người Đồng Tháp đoàn kết một cách vô tư trong sáng bởi “hoạn nạn có nhau” và tình người “chung cảnh ngộ”. Tình yêu, sợi dây thiêng liêng gắn bó con người bền chặt vượt thời gian. Ngày nay, đặc điểm này có cơ hội tỏa sáng khi sự hợp tác, liên kết được xây dựng trên nền tảng kinh tế - xã hội có cùng mục tiêu chung: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.