Thanh niên Quảng Ngãi khởi nghiệp từ cây dược liệu
Anh Trịnh Duy Phương (30 tuổi, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) cải tạo vùng đất sét gò đồi ở quê hương thành vườn dược liệu.
Trên mảnh đất gò đồi ở xã Tịnh Đông (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), anh Phương đã cải tạo, xây dựng thành vườn dược liệu với diện tích rộng 2ha, trồng từ 10-15 loại cây như bí xanh thơm Bắc Kạn, cây dành dành, cà gai leo, khúng khéng, chùm ngây… và đã sản xuất ra nông sản sấy khô. Ngoài ra, trên mảnh đất này, nhiều loại cây ăn trái xen canh như ổi, mít, xoài, mận… cũng đang ra quả.
Chia sẻ về cơ duyên xây dựng vườn trồng, anh Phương cho biết: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2020, tôi về quê và bắt đầu khởi nghiệp. Ban đầu, khi nghe ý tưởng khởi nghiệp, ba mẹ tôi rất phản đối, muốn tôi tìm việc làm ổn định vì tôi có bằng đại học. Nhưng với niềm đam mê trồng trọt, tôi quyết chí làm nông nghiệp theo hướng dược liệu”.
Xã Tịnh Đông chủ yếu gò đồi. Anh Phương cho biết: “Trên 2ha này có một phần đất là gia đình và một phần do tôi thuê lại. Tính chất đất của vùng này hầu hết là đất sét, trước kia nơi đây, người dân còn xây dựng lò gạch thủ công, sau khi đã phá bỏ nhưng chất đất vẫn xấu và nhiều sỏi đá”. Thay vì dùng phân và thuốc, anh Phương dùng vôi xử lý đất, bón đạm và để cỏ mọc tự nhiên trên đất, nhờ đó vi sinh vật trong đất tạo thành mùn hữu cơ, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây trồng.
Anh Phương là người đầu tiên ở Quảng Ngãi thử nghiệm trồng bí xanh thơm Bắc Kạn. Anh Phương chia sẻ: “Năm 2022, lần đầu khi tôi ra Bắc Kạn thì thấy người dân dùng bí xanh ăn kèm muối đậu, lúc đầu tôi ăn chưa quen nhưng khi uống trà lại rất ngon. Người dân Bắc Kạn cho biết rằng, bí xanh thơm có năng suất, sản lượng rất cao nên tôi thử mang giống về trồng”.
Ban đầu, anh Phương gặp nhiều khó khăn do trồng theo phương pháp hữu cơ lại gặp sâu ăn lá nên khiến bí xanh thơm bị chết nhiều. Rút kinh nghiệm sau lần thất bại, đến nay, anh Phương duy trì diện tích trồng bí xanh thơm Bắc Kạn trên 4.000m2, sản lượng bình quân đạt 1,5-2 tấn/sào, hiện giá bán bí xanh tươi từ 19.000-20.000 đồng/kg.
Anh Phương cho biết “Nhu cầu tiêu thụ bí xanh thơm Bắc Kạn rất lớn, vừa bán tươi, làm thức ăn như gỏi bí, canh bí, vừa làm trà bí xanh sấy khô, chế biến nước, thảo dược”.
Theo anh Phương, điều kiện khí hậu tại Quảng Ngãi nắng nhiều, mưa ít, rất phù hợp với bí xanh thơm Bắc Kạn. Bí xanh hơn, chất lượng quả ngon, mùi thơm đặc trưng như mùi lá dứa, ruột bí đặc, giòn. Các phương pháp trồng bí xanh thơm Bắc Kạn vẫn là dùng vôi xử lý đất, không phun thuốc hóa học, bón đạm cá và tưới nhỏ giọt. Với các yếu tố kỹ thuật này sẽ giữ giống bí không bị thoái hóa.
Trên diện tích 2ha, anh Phương chia sẻ rằng, cây dành dành, cà gai leo, khúng khéng, chùm ngây… đã vươn lên xanh tốt sau thời gian trồng từ 8-10 tháng. Anh cho biết: “Ở các miền quê, những loài cây dược liệu quen thuộc này thường mọc hoang khắp nơi, chẳng hạn từ xưa, người dân đã dùng rễ, thân cà gai leo để chữa bệnh về gan, giải độc rượu, thanh lọc cơ thể. Nếu trồng cà gai leo, chỉ cần 1 năm đầu trồng thì sẽ cho thu hoạch liên tục đến 1 năm sau mới phải trồng lại. Hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần làm lúa, đậu, mì…”.
Cà gai leo là một loại thực vật thân leo, hình dạng lá và quả giống như loại cà pháo, khi chín quả chuyển sang màu đỏ, có chứa nhiều hạt màu vàng. Trên thân leo của cây thường có nhiều gai, hoa có màu trắng thường trổ vào tháng 4 và 9 hàng năm.
Đặc biệt, với mô hình trồng cây dược liệu cũng góp phần bảo vệ môi trường, bởi khi trồng loại cây dược liệu sẽ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vốn được người nông dân sử dụng tràn lan khi trồng hoa màu.
Anh cho biết: “Các loại cây dược liệu thường thu hoạch cả thân, lá, hoa, quả, tại vườn của tôi, cây dành dành đang có giá bán thân lá khoảng 30.000 đồng/kg tươi. Hướng đến đối với trồng cây dược liệu là sấy khô, làm trà thảo dược. Hiện nay, mỗi năm thu nhập từ khu vườn của tôi khoảng 100 triệu đồng/năm. Lâu dài, hiện tôi mở đang rộng diện tích trồng dược liệu và vẫn sử dụng phương pháp cải tạo đất theo hướng hữu cơ”.
Anh Phạm Quang Hòa, Bí thư Đoàn xã Tịnh Đông, cho biết: “Anh Phương là người đầu tiên đưa cây dược liệu trồng trên đất xã Tịnh Đông, hiệu quả cho thấy cây dược liệu phát triển tốt, thích ứng vùng đất này. Người dân xã Tịnh Đông chủ yếu trồng đậu, mì và mô hình trồng cây dược liệu rất mới mẻ, Đoàn xã và hội đoàn thể cũng tổ chức kết nối tham quan để người dân học hỏi kinh nghiệm”.