Thanh Luận vang mãi niềm tự hào
Đầu tháng 11/1947, tại xã Thanh Luận (Sơn Động) diễn ra sự kiện thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện. Từ mốc son năm ấy, Đảng bộ xã Thanh Luận phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nơi thành lập chi bộ đầu tiên của huyện
Theo lịch sử Đảng bộ xã, từ sau cách mạng tháng Tám thành công, phong trào cách mạng ở Thanh Luận diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, thời điểm đó ở Thanh Luận vẫn chưa có tổ chức cơ sở đảng nên phần nào ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào tại địa phương.

Đường giao thông tại thôn Náng được cứng hóa, mở rộng.
Sau một thời gian chuẩn bị, đến đầu tháng 11/1947, Huyện ủy quyết định thành lập Chi bộ Thanh Luận với 6 đảng viên ban đầu (3 đảng viên là người xã Thanh Luận, 3 đảng viên là người các địa phương lân cận). Địa điểm thành lập tại căn nhà vách tre ở ngay bìa rừng của gia đình ông Phan Văn Nhuận, xóm Náng; đồng chí Nông Văn Tài được Huyện ủy phân công về làm Bí thư Chi bộ. Tại buổi họp ra mắt, Chi bộ đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển đảng viên, củng cố chính quyền vững mạnh đủ sức lãnh đạo kháng chiến; xây dựng lực lượng du kích vững mạnh, chủ động đánh địch, bảo vệ chi bộ, bảo vệ chính quyền, tính mạng và tài sản của Nhân dân; vận động Nhân dân tham gia sản xuất, đóng góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến…
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Thanh Luận, công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm. Chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết những quần chúng ưu tú ở các thôn, bản đều được kết nạp đảng. Nhân dân các dân tộc trong xã đã đồng lòng, lập nhiều chiến công, góp phần cùng quân, dân cả nước giành nhiều thắng lợi trong các cuộc cách mạng. Năm 1950, Chi bộ vinh dự được nhận Cờ luân lưu khá nhất huyện về thành tích xây dựng Đảng và công tác vận động quần chúng do Huyện ủy trao tặng.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Quỳnh cho biết, từ mốc son năm ấy, Đảng bộ xã tiếp tục đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác Đảng và xây dựng chính quyền. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của từng thời kỳ, giai đoạn phát triển phù hợp với đặc điểm của địa phương, từ đây Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa địa phương vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên trở thành điểm sáng của huyện về phát triển kinh tế - xã hội.
Đến hết năm 2024, xã còn 15,3% hộ nghèo, giảm 9,7% so với năm 2020; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Đơn cử như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, xã tập trung phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, nước sạch sinh hoạt, công trình thủy lợi nội đồng, giáo dục, y tế, văn hóa. Cùng với đó là phát huy hiệu quả các dự án hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến hết năm 2024, xã chỉ còn 15,3% hộ nghèo, giảm 9,7% so với năm 2020; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Năng động phát triển
Thanh Luận có hơn 3,2 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,7%, tập trung tại 4 thôn: Rỏn, Gà, Náng, Thanh Hà. Thanh Luận từ một vùng quê nghèo khó đã không ngừng phát triển, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu với doanh thu từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/năm. Trên địa bàn xã đã thành lập Hợp tác xã Ba kích tím Tây Yên Tử, tạo việc làm cho 7 hộ thành viên với gần 100 lao động tham gia trồng, chăm sóc cây ba kích tím và măng mai. Năm 2024, Hợp tác xã đã xây dựng thành công sản phẩm măng tre mai đạt chuẩn OCOP 3 sao; doanh thu từ bán 3 tấn sản phẩm khô năm 2024 đạt gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi hộ lãi từ 70-100 triệu đồng (hiện sản phẩm ba kích tím chưa được thu hoạch - PV).

Xã Thanh Luận quan tâm phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Toàn xã có hơn 4,3 nghìn ha đất rừng, trong đó gần 1,1 nghìn ha rừng trồng còn lại là rừng tự nhiên. Phát huy lợi thế, đến nay hầu hết các hộ đều tham gia trồng rừng kinh tế, mang lại thu nhập bình quân/ha đất lâm nghiệp từ 80 - 100 triệu đồng (tính theo chu kỳ), góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động ngay trên quê hương. Điển hình như đảng viên Hoàng Văn Ngọc, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Rỏn hiện có hơn 1 ha rừng keo lai. Ngoài trồng rừng, anh mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng hơn 2,2 nghìn cây ba kích tím đến nay đã được thu hoạch được một vụ với hơn 1 tấn củ, thu về 150 triệu đồng.
Anh Ngọc nói: “Nhận thấy cây ba kích tím cho giá trị kinh tế cao nên trong các cuộc họp, tôi thường xuyên vận động bà con dần chuyển đổi một phần diện tích đất vườn, đồi canh tác năng suất kém sang cây trồng mới này”. Từ vài hộ ban đầu, đến nay toàn xã có gần 30 hộ trồng ba kích tím với tổng diện tích 2,5 ha, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng cao.
Trong câu chuyện về xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã tự hào thông tin thêm, đến nay 100% đường trục xã và 80% đường liên thôn được cứng hóa. Trong đó, riêng 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư để phát triển toàn xã hội đạt hơn 30 tỷ đồng. Xã ưu tiên nguồn lực tập trung xây dựng các công trình giao thông, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế. Có lẽ bởi xuất phát từ vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Nhân dân các dân tộc đoàn kết, gắn bó nên dù đời sống vẫn còn khó khăn song khi địa phương phát động các phong trào đều nhận được sự tham gia có trách nhiệm, tích cực của các đồng chí cán bộ, đảng viên và bà con thôn, xóm.
Trên mỗi công trình đều ghi dấu ấn của hộ dân tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình cho các dự án triển khai bảo đảm kế hoạch. Tại Thanh Luận đã hình thành nhiều tuyến đường liên thôn tự quản phong quang, sạch đẹp với bề mặt rộng 6-7 m; phong trào văn hóa, thể thao hoạt động sôi nổi, thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia.