Thanh Hóa: Phong trào 'Bình dân học vụ số' sẽ triển khai đến từng thôn, bản
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc, 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bấm nút phát động phong trào “Bình dân học vụ số”
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: Phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang giá trị nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển của đất nước và của mỗi địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa; thể hiện quyết tâm của cấp ủy, chính quyền trong công cuộc phát triển quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Trong khi đó, theo ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa: Việc triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" nhằm phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số (CĐS), kỹ năng số cho người dân với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS; mọi người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng số cần thiết để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày nhằm nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS mang lại.
Phong trào "Bình dân học vụ số" phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình CĐS. Cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện phong trào, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân.

Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số". Ảnh: Báo Thanh Hóa
Kết quả của phong trào phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực sử dụng nền tảng, dịch vụ số của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và hướng tới mục tiêu Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Bảo đảm an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".
Kế hoạch đề ra mục tiêu năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về CĐS, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc; 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số.
Cũng đến năm 2026 sẽ có 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về CĐS, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về CĐS, kỹ năng số trên nền tảng VNelD; 100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Để phong trào "Bình dân học vụ số" đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy CĐS tại cơ quan, địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của CĐS. Đề nghị MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần tích cực hưởng ứng phong trào này.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò đặc biệt quan trọng của CĐS, sẵn sàng tham gia học tập, ứng dụng công nghệ trong đời sống hằng ngày, để phong trào "Bình dân học vụ số" trở thành một phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau...

Thanh Hóa đặt quyết tâm, năm 2026 sẽ có 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về Chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.
Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào, với tinh thần "đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người". Chú trọng sử dụng các nền tảng số để chuyển tải thông tin đến mọi người, đảm bảo dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
Triển khai các lớp học, khóa học trực tuyến, phổ cập kiến thức số trên nền tảng phù hợp, dễ tiếp cận với mọi đối tượng kết hợp với các lớp học trực tiếp tại các địa phương, giúp mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận tri thức số. Huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đến các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tài liệu học tập và nguồn lực cho phong trào. Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; tổ công nghệ số của đoàn thanh niên và các nhóm, tổ khác trong việc giới thiệu các nền tảng số.
Ông Đỗ Minh Tuấn giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp xây dựng khung năng lực số và tài liệu phù hợp với từng đối tượng. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần được cập nhật, nâng cao kỹ năng số, dùng nền tảng số hiệu quả. Học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức số phục vụ học tập và bảo vệ bản thân, từ đó lan tỏa cho người thân, gia đình. Người lao động biết dùng thiết bị thông minh để tăng năng suất. Người dân biết dùng các dịch vụ số thiết yếu, dịch vụ công trực tuyến an toàn.
Cùng với đó, đẩy mạnh các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế, người lớn tuổi, lao động tự do để Nhân dân có thể chủ động ứng dụng công nghệ vào công việc và cuộc sống. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình gia đình số, nông thôn số, thành thị số để lan tỏa kỹ năng số trên địa bàn toàn tỉnh. Đề nghị mỗi người dân cần thi đua tự trau dồi, học hỏi, nâng cao kỹ năng số, để phong trào "Bình dân học vụ số" thực sự trở thành phong trào của toàn dân, toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực nhất.