Thanh Hóa khó thu hồi 257 tỷ đồng chi sai chế độ người có công
Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, tỉnh liên tục có văn bản đôn đốc việc thu hồi số tiền hơn 257 tỷ đồng chi sai chế độ người có công, tuy nhiên việc thu hồi rất khó.
Ông Lê Việt Quang – Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng vừa ký văn bản giao Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai việc thu hồi số tiền hưởng sai chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, đến ngày 31/12/2024 tổng số người hưởng sai chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo kết luận thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh là 2.116 đối tượng với tổng số tiền phải thu hồi là hơn 258 tỷ đồng. Tổng số tiền đã thu hồi nộp ngân sách là gần 1,2 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa liên tục đôn đốc thu hồi số tiền hưởng sai chế độ người có công. Ảnh: CTV
Theo ông Quang, nguyên nhân của việc chi sai chế độ chính sách là từ những năm 1976, sau chiến tranh, các địa phương đã lập danh sách để thống kê những người bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Đến năm 2000, các đối tượng này thuộc chính sách được hưởng bảo trợ xã hội (người tàn tật, người không còn khả năng lao động…).
Đến năm 2005, Nghị định 54 về chế độ ưu đãi người có công ra đời. Lúc này, ở các địa phương mới đưa các đối tượng bảo trợ xã hội sang chế độ người có công. Khi chuyển đổi, thực tế những người này đều là những người có công.
"Trước đó, các đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội làm hồ sơ rất đơn giản, chỉ cần xã lập danh sách, trạm y tế chụp ảnh thương tật. Sau này, khi chuẩn hóa hồ sơ thì những người này thiếu những giấy tờ cần thiết”, ông Quang chia sẻ.
Về nguyên nhân khó thu hồi số tiền chi sai chế độ chính sách, ông Quang cho biết, các đối tượng này chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng người dân tộc thiểu số. Bản thân các đối tượng đều mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động.

Các đối tượng được hưởng chủ yếu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng người dân tộc thiểu số nên khó khăn trong việc thu hồi. Ảnh: Lê Dương
Bên cạnh đó, số tiền hưởng sai lớn (trung bình mỗi đối tượng hàng trăm triệu đồng), bản thân đối tượng được hưởng đều già yếu và hết tuổi lao động. Con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hầu hết bị mắc bệnh, phải chữa trị dài ngày, không có nguồn thu…, vì vậy không thể thu hồi được.
“Từ năm 2000 đến nay, các đối tượng được hưởng từ 500 đến 1 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ đủ tiêu dùng. Đến nay, số tiền cộng lại (22 năm) của mỗi đối tượng lên đến hàng trăm triệu đồng. Người nào có khả năng thì đã nộp lại rồi, còn lại các đối tượng khó khăn, rất khó thu hồi”, ông Quang cho biết.