Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa nồm ẩm

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa phùn, nồm ẩm. Theo Trung tâm Dự báo khí trượng thủy văn Trung ương, tình trạng nồm ẩm có thể kéo dài đến tháng 4. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan. Do đó, các cấp, ngành chức năng và người dân cần tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Cán bộ thú y tỉnh kiểm tra việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại điểm tiêm tập trung xóm Xuân Đãng, xã Bình Sơn (TP. Sông Công).

Cán bộ thú y tỉnh kiểm tra việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại điểm tiêm tập trung xóm Xuân Đãng, xã Bình Sơn (TP. Sông Công).

Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 95 nghìn con trâu, bò; trên 600 nghìn con lợn và 17 triệu con gia cầm. Những năm qua, bên cạnh phát triển quy mô đàn vật nuôi, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Luôn đồng hành cùng người dân, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng một số loại bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như: Lở mồm, long móng trâu, bò; dịch tả lợn; tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; bệnh dại; cúm gia cầm...

Dù vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn khi tình trạng chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ, phân tán còn khá phổ biến, nhất là các địa bàn miền núi, vùng cao như Định Hóa, Võ Nhai.

Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, mưa, nồm ầm như hiện nay, các bệnh thường gặp ở vật nuôi là viêm ruột hoại tử do Clostridium, bệnh do Salmonella, bệnh do E.coli; bệnh tụ huyết trùng do Pasteurella rây ra…

Trong khi đó, trình độ kỹ thuật chăn nuôi của nhiều nông hộ vẫn còn hạn chế, thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh, còn thả rông gia súc khiến cho công tác tiêm phòng gặp không ít khó khăn…

Ngoài ra, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ, lề đường; một số người dân chưa chủ động đăng ký tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình cũng khiến cho việc quản lý, kiểm soát dịch gặp trở ngại.

Do đó, để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đang triển khai tiêm phòng đợt 1 (tháng 3, 4-2025) cho đàn vật nuôi (mỗi năm Thái Nguyên có 2 đợt tiêm phòng chính, đợt 2 vào tháng 9 và 10-2025). Đồng thời chủ động tiêm bổ dung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm, mới đến tuổi tiêm, đã khỏi bệnh hoặc mới nhập về và gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định.

Cùng với tiêm phòng, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm cũng cần được tăng cường.

Cán bộ thú y tỉnh lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm và phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò tại huyện Võ Nhai.

Cán bộ thú y tỉnh lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm và phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò tại huyện Võ Nhai.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh nói: Hiện nay, các địa phương cần triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh chuồng trại; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi, tích cực thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Chúng tôi cũng đã yêu cầu các xã, phường, thị trấn cử cán bộ đến tuyên truyền, hướng dẫn người dân kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và khai báo tình hình dịch bệnh, có phương án chữa trị kịp thời.

Ngoài ra, việc vận người dân chủ động mua các loại vắc-xin không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo từng độ tuổi cũng nên được quan tâm nhiều hơn.

Ông Vũ Văn Việt, một hộ chăn nuôi gà quy mô trang trại ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Nếu chỉ trông chờ vào vắc-xin hỗ trợ của Nhà nước mà bỏ qua, không tiêm các loại dịch bệnh như tiêu chảy, thương hàn cho đàn gà, người chăn nuôi có thể gặp rủi ro rất cao khi có dịch bệnh. Do đó, thực hiện phương châm phòng hơn chống, gia đình tôi không chỉ tiêm phòng cúm mà còn tiêm phòng nhiều loại bệnh thường gặp ở gà, nhất là các loại bệnh thường phát triển mạnh trong mùa xuân.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tin rằng, ngành nhăn nuôi của Thái Nguyên lại tiếp tục có một năm tăng trưởng. Trước đó, trong năm 2024, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, tổng sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh đã đạt trên 236 nghìn tấn, vượt hơn 6% so với kế hoạch…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/chu-dong-phong-chong-dich-benh-mua-nom-am-a2411cc/
Zalo