Thanh Hóa có thêm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sáng 27/4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Sự kiện nhằm kỷ niệm 1018 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nơi đây là quê hương của nhiều danh nhân, bậc hiền tài và là vùng đất phát tích của vương triều Tiền Lê.
Từ những chiến công hiển hách cùng thành tựu rực rỡ của đất nước trong thế kỷ thứ X đã khẳng định tầm vóc, vị trí lớn lao của người anh hùng dân tộc - Hoàng đế Lê Đại Hành.
Để tri ân công đức của nhà vua với đất nước, sau khi vua Lê Đại Hành băng hà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi ông sinh ra.
Ban đầu, đền thờ Lê Hoàn có quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản. Đến thế kỷ 17, nơi thờ tự nhà vua được tu sửa và mở rộng quy mô như ngày nay. Năm 2018, đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
“Rất vinh dự và tự hào khi Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, ông Tùng nói.
Theo ông Đầu Thanh Tùng, sự kiện hôm nay là dịp để người dân và chính quyền địa phương tri ân, tôn vinh công lao và những đóng góp to lớn của Hoàng đế Lê Hoàn với đất nước. Đồng thời, là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc.
Trao đổi với báo GD&TĐ, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Thanh Hóa là địa phương có nhiều điểm đến thu hút khách du lịch. Đặc biệt, địa phương đã kết hợp du lịch biển với du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng.
Tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích dày đặc trên địa bàn như Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cũng như đền thờ Lê Hoàn hôm nay đã đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ định hướng theo chiến lược gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản với phát triển du lịch bền vững. Do đó, ông Cương hy vọng Thanh Hóa cũng sẽ phát triển theo hướng đó.
“Chiều sâu của văn hóa cùng nét đẹp của phong tục tập quán là điểm nhấn quan trọng giúp Thanh Hóa trở thành một trong địa điểm thu hút du khách hàng đầu như các địa phương miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,...”, ông Cương nói.
Theo sử sách, Hoàng đế Lê Đại Hành (sinh năm 941), tại làng Trung Lập, Ái Châu nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trong một gia đình nghèo. Do cha mẹ mất sớm, Lê Hoàn được một vị quan tên là Lê Đột nhận về nuôi dưỡng.
Sau sự kiện dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế và phong cho Lê Hoàn chức Thập đạo tướng quân. Tháng 10 năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, lúc đó Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi, lúc này nhà Tống thấy vua còn nhỏ hòng đem quân xâm lược.
Giữa bối cảnh ấy, Thái hậu Dương Vân Nga cùng quần thần đã tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế. Năm 980, nhà vua thân chinh đánh giặc và đánh tan đội quân thủy, bộ của nhà Tống. Sau khi đánh đuổi giặc Tống, nhà vua còn dẫn quân hàng phục Chiêm Thành năm 982. Sự kiện này đã làm cho thanh thế nước Đại Cồ Việt ngày càng lừng lẫy.
Trong thời gian trị vì, nhà vua thực hiện nhiều cải cách tiến bộ, chăm lo phát triển nông nghiệp, tuyển dụng nhân tài,... giúp đất nước thanh bình, đời sống nhân dân ấm no. Năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà, thọ 64 tuổi.