Đồng bào Ơ Đu chung tay xây dựng bản làng ấm no, văn hóa

Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất cả nước, sinh sống duy nhất ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Năm 2006, đồng bào chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) để nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Trong 18 năm định cư tại nơi ở mới, đồng bào Ơ Đu đã nỗ lực phát triển kinh tế, phá thế độc canh cây lúa trên nương rẫy, xây dựng bản làng ấm no, khởi sắc và đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo, riêng có.

Nhiều hộ dân Ơ Đu tại bản Văng Môn đã đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn giống, tạo thế mạnh chủ lực trong kinh tế của gia đình, phá thế độc canh cây lúa trên nương rẫy. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều hộ dân Ơ Đu tại bản Văng Môn đã đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn giống, tạo thế mạnh chủ lực trong kinh tế của gia đình, phá thế độc canh cây lúa trên nương rẫy. Ảnh: TTXVN phát

Sắc diện mới ở Văng Môn

Là một trong 9 bản của xã miền núi Nga My, bản Văng Môn có hơn 100 hộ, trên 340 nhân khẩu, đều là đồng bào Ơ Đu. Bản làng nằm dưới chân núi, trải dọc hai bên Quốc lộ 48C. Phía bên kia bản là đại ngàn Pu Pá và dòng Nậm Ngân trong xanh uốn lượn, cho nhiều tôm, cá và nước tưới cho ruộng đồng. Điểm tô cho khung cảnh thanh bình của bản làng là những rặng mía, nhãn, cây đu đủ, dừa hiện diện bên nhà, trong vườn. Đường dân sinh trong bản được cứng hóa sạch sẽ, thông thoáng. Hệ thống loa phát thanh được lắp đặt tại trung tâm bản, đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin. Đêm đến, bản làng được thắp sáng bởi hệ thống đèn năng lượng mặt trời chạy qua trung tâm bản.

Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, những năm qua, đồng bào Ơ Đu ở bản Văng Môn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, dự án phát triển sinh kế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như: Đề án 2086 hỗ trợ giống bò, phục dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ giống cỏ voi trong chăn nuôi gia súc…

Từ đó, bà con có tiền đề vững chắc để phát triển mọi mặt. Đặc biệt, bà con Ơ Đu có ý thức, nỗ lực vươn lên làm giàu, áp dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp bằng nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, phù hợp điều kiện, tiềm năng địa phương.

Ở xã hiện có nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập ổn định, tạo sự chuyển dịch, đa dạng trong cơ cấu kinh tế và phá vỡ thế độc canh cây lúa trên nương rẫy. Trong đó phải kể đến mô hình trồng sắn cao sản gần 7ha đã cho mùa thu hoạch thứ hai; mô hình trồng cây đu đủ đực, chăn nuôi lợn thịt, lợn giống, nuôi bò, lợn rừng, lợn đen, trồng keo, tràm, cỏ voi cho chăn nuôi gia súc, cửa hàng tạp hóa và nghề dệt thổ cẩm. Thu nhập bình quân của đồng bào ở bản Văng Môn đạt hơn 25 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm qua, 100% gia đình đã được sử dụng điện lưới thắp sáng, nước hợp vệ sinh, có thẻ bảo hiểm y tế. Con em được đi học đúng độ tuổi, thụ hưởng chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.

Nhiều gia đình dân tộc Ơ Đu đã đầu tư, mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và vùng lân cận. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nhiều gia đình dân tộc Ơ Đu đã đầu tư, mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và vùng lân cận. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Ông Lo Văn Long, người dân bản Văng Môn phấn khởi thông tin, trước đây, người dân Ơ Đu sinh sống ở các bản Xốp Pột, Kim Hòa (xã Kim Đa) bao bọc và biệt lập giữa đại ngàn, giao thông chủ yếu đi lại bằng thuyền gỗ, bè mảng gặp khó khăn. Khi có người trong bản ốm đau, việc di chuyển để tiếp cận y tế rất khó khăn. Vì nhà nằm cheo leo trên triền đồi, vào mùa mưa ai cũng thấp thỏm lo sợ bị sạt lở, lũ quét. Khi về định cư ở bản Văng Môn, bà con được thụ hưởng chương trình, dự án, chính sách đầu tư mà Đảng, Nhà nước, được các cấp chính quyền hỗ trợ, cuộc sống của người dân đã thay đổi tích cực.

Chung tay gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng

Ông Lo Thanh Bình, một trong số ít người cao tuổi ở bản Văng Môn còn sử dụng được ngôn ngữ của đồng bào chia sẻ, về sống ở Văng Môn, bà con không còn phải ở trong những căn nhà tranh tre, vách nứa. Điện, đường, trường trạm đã có đầy đủ. Hòa mình vào môi trường sống cộng cư với đồng bào Kinh, Thái, Khơ Mú, bà con Ơ Đu năng động hơn trong phát triển kinh tế; chủ động xây dựng thiết chế văn hóa bản làng, khôi phục phong tục, nét đẹp truyền thống để gìn giữ, bảo lưu, trao truyền. Lối sống chan hòa, đượm tình làng nghĩa xóm, đoàn kết dân bản được các gia đình thực hiện theo quy ước của bản.

Nhiều năm qua, việc học tập, theo đuổi con chữ của học sinh dân tộc Ơ Đu luôn được thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc thù do Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: TTXVN phát

Nhiều năm qua, việc học tập, theo đuổi con chữ của học sinh dân tộc Ơ Đu luôn được thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc thù do Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: TTXVN phát

Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, nhiều năm qua, khi đời sống vật chất ổn định, dần nâng lên, nét đẹp văn đẹp văn hóa, phong tục truyền thống càng được đồng bào Ơ Đu chú ý gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang được chị em trong bản thực hiện khá tốt và có sức lan tỏa. Một số loại hình nhạc cụ, hoạt động văn hóa, văn nghệ như khắc luống, thổi sáo, xí xo, văn hóa cồng chiêng, múa - nhảy sạp… được người dân duy trì tổ chức và phát huy. Đặc biệt, các nghi lễ, lễ thức độc đáo, đặc trưng mang tính nhận diện văn hóa của đồng bào Ơ Đu trong lễ tục, vòng đời được gìn giữ như lễ hội tiếng sấm đầu năm, lễ mừng cơm mới, lễ làm vía, cầu may…

Anh Lo Văn Hùng nêu rõ, người Ơ Đu sống rất tình cảm và đoàn kết cùng chung tay xây dựng bản làng, gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa. Mỗi khi gia đình nào trong bản có việc, bà con đều nhiệt tình tham gia đóng góp ngày công.

Già làng Lo Văn Cường, người uy tín trong bản Văng Môn cho biết, từ đại ngàn xa xôi, biệt lập, khó khăn về định cư, lập nghiệp ở bản Văng Môn, cuộc sống người Ơ Đu đã chuyển sang một bước ngoặt lịch sử.

Học sinh người dân tộc Ơ Đu tại Điểm trường khối bản Văng Môn, thuộc Trường Tiểu học Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) trong tiết học ngoại khóa. Ảnh: TTXVN phát

Học sinh người dân tộc Ơ Đu tại Điểm trường khối bản Văng Môn, thuộc Trường Tiểu học Nga My (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) trong tiết học ngoại khóa. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài yếu tố thuận lợi về dân sinh, vai trò, vị trí chủ thể của người Ơ Đu trong cộng đồng, xã hội càng được đề cao. Nhiều năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân trong bản luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của địa phương và của bản. Các gia đình đều thực hiện đầy đủ nội dung xây dựng gia đình văn hóa. Mọi người phải chăm lo lao động, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, chăm lo học hành, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Hiện nay, dù cuộc sống có ảnh hưởng giao thoa văn hóa nhưng người Ơ Đu vẫn ý thức được việc gìn giữ các giá trị riêng biệt của dân tộc, thể hiện qua việc gìn giữ món ăn mang đậm nét văn hóa đặc trưng như cá nướng, canh ột, cơm lam, rượu cần, rượu cẩm, rượu siêu...

Vào những phiên chợ, du khách dễ dàng nhận ra đồng bào Ơ Đu qua bộ trang phục truyền thống (gồm khăn, váy, áo, trang sức) với đường nét hoa văn độc đáo, đặc trưng. Học sinh dân tộc Ơ Đu đến trường vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống trong sự tự hào về văn hóa của dân tộc mình.

Văn Tý - Hải An (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dong-bao-o-du-chung-tay-xay-dung-ban-lang-am-no-van-hoa-20241125134742545.htm
Zalo