Tháng Tư về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng
'Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về, mình mẹ lặng im'... Câu hát trong bài Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phần nào khắc họa sự hy sinh của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) dành cho quê hương, đất nước. 50 năm ngày đất nước hòa bình, hậu quả của chiến tranh dần được khắc phục nhưng vết thương lòng của những người mẹ, người vợ có chồng, con hy sinh cho Tổ quốc vẫn chưa hề nguôi ngoai.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa trao danh hiệu cao quý và Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Hòa - Vũ Hồng Hạnh tặng hoa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phước (ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa)
Những người mẹ vĩ đại
Mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng ký ức về ngày non sông thống nhất, về người chồng, người con đã hy sinh cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Ba (95 tuổi, ngụ ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) như mới hôm qua.
Mẹ đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu nhưng trong ánh mắt chất chứa nỗi buồn. Hôm nay, mẹ lại thắp nhang kể với chồng và con về ngày toàn thắng. Mẹ nói: “Hai cha con hy sinh trước ngày giải phóng nên mẹ thường thắp nhang kể về ngày đất nước thống nhất, mong là nơi xa đó, hai cha con có thể cùng chung niềm vui với tất cả mọi người”.
Lần giở trong từng lớp nylon, mẹ đưa cho chúng tôi xem những tờ giấy có dòng chữ “Tổ quốc ghi công” phai màu vì thời gian - đó là những gì mẹ còn giữ lại về người chồng, người con thân yêu của mình.

Lãnh đạo huyện Cần Giuộc đến thăm, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ba (ấp Ngoài, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc)
Tháng tư lại về, mẹ nói, không biết còn sống thêm bao nhiêu lần tháng tư nữa nhưng nghĩa cử trọn tình, trọn nghĩa của Đảng, Nhà nước, mẹ luôn tạc ghi trong lòng. Mẹ Nguyễn Thị Ba được Huyện Đoàn Cần Giuộc nhận chăm sóc, phụng dưỡng thông qua mô hình Người con hiếu thảo. Mỗi lần có các đoàn đến thăm vào các ngày lễ, tết, mẹ thường nói rằng, các con thăm mẹ, nhớ mẹ tức là vẫn nhớ về chồng, về con của mẹ.
Tuổi cao, lúc nhớ lúc quên nhưng những câu chuyện về chồng, về con, về cách mạng thì Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Phước (ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) vẫn nhớ như in. Qua lời kể của mẹ, ký ức như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc.
Cũng như những phụ nữ khác trải qua cuộc chiến, cả cuộc đời mẹ Phước gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước và chồng con mẹ đã nằm xuống vì nền hòa bình của dân tộc. Mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH vào đầu năm 2025. “Nhận danh hiệu, mẹ vừa mừng, vừa tủi. Mẹ mong đất nước ngày càng phát triển hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước”.
Căn nhà tình nghĩa tại ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An là nơi cư ngụ của Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Bông. Mẹ Bông chia sẻ, tiếp nối truyền thống gia đình, mẹ tham gia cách mạng từ sớm với công việc giao liên và làm công tác binh vận. Tại đây, mẹ gặp và nên duyên với ông Lê Văn Khương. Những năm tháng chiến tranh, mẹ Bông cùng cán bộ và người dân địa phương ra sức tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiếp sức cho cách mạng, làm hậu phương vững chắc cho chồng con yên tâm lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo TP.Tân An và xã Bình Tâm đến thăm, tặng quà cho Bà mẹ Việt Anh hùng Nguyễn Thị Bông
Năm 1967, trong trận càn của địch, chồng mẹ hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ. Khi ấy, mẹ mới 27 tuổi và đang mang thai người con gái út. Nén nỗi đau, mẹ Bông tiếp tục lao động và nuôi dạy 5 người con nên người, tham gia che chở, nuôi giấu cán bộ. Sau này, người con trai trưởng của mẹ là anh Lê Văn Thanh cũng hy sinh. Một lần nữa, nỗi đau mất con lại giày xé. Trong khoảng thời gian làm giao liên, mẹ 2 lần bị địch bắt giam qua nhiều nhà tù khác nhau. Tuy bị đánh đập, tra tấn nhưng mẹ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng.
Những người con, người cháu của mẹ Bông sau này cũng tiếp nối truyền thống gia đình, từng tham gia trong lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Họ hiện có cuộc sống ổn định, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời bình. Ở tuổi 85, mẹ Bông sống cùng người con gái út. Sức khỏe mẹ giảm sút vì di chứng của những trận đòn roi ngày ấy.
Mẹ nói: “Tôi vui mừng khi thấy quê hương ngày càng phát triển. Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm cho những gia đình có công với cách mạng. Gia đình tôi được địa phương, các ban, ngành đến thăm hỏi, động viên,... Bấy nhiêu thôi cũng khiến tôi ấm lòng”.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bông kể lại cuộc đời của mình
Sáng mãi ngọn nến tri ân
Trên dải đất hình chữ S, còn biết bao Bà mẹ VNAH trung hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, mất con góp phần thêu dệt nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Thương chồng con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly vì hòa bình, độc lập của đất nước. Để rồi một mình mẹ lo kinh tế gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng con nơi chiến trận. Có mẹ còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, có mẹ làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men, cũng có mẹ trực tiếp cầm súng chiến đấu,... Nợ nước, thù nhà không cho phép các mẹ gục ngã. Các mẹ vẫn ngày đêm âm thầm đóng góp cho cách mạng. Ngày chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của dân tộc nhưng lại đau nỗi đau riêng vì chồng con mình mãi mãi không về.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ VNAH vẫn vẹn nguyên ngọn lửa cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Những người mẹ kiên trung, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình vì niềm vui chung trong ngày hòa bình của đất nước. Thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về mẹ - những Bà mẹ VNAH.
Bà mẹ VNAH là danh hiệu cao quý mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng, truy tặng những người phụ nữ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, quân và dân Long An đã lập nhiều chiến công vang dội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các mẹ có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua, những Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần. Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính cùng sự biết ơn sâu sắc đã giúp các mẹ sống vui, sống khỏe hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới. Đặc biệt, Long An là tỉnh đầu tiên có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho người thờ cúng Bà mẹ VNAH.
Tình cảm, sự chăm lo ấy thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đối với các Bà mẹ VNAH, những người mẹ vĩ đại đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, xứng đáng là biểu tượng cao đẹp, tượng đài bất khuất trong lòng dân tộc./.
Toàn tỉnh có khoảng 5.380 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH; hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương Tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến; Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Long An được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, tại Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ II (tháng 9/1967), Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.