Thăng trầm the lụa La Khê
Được nằm trong tứ quý danh hương 'Mỗ La Canh Cót', the lụa La Khê vang danh một thời nay đang dần chìm vào quên lãng.
So với lụa làng Vạn Phúc, the La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) được ít người dân biết đến hơn. Tuy cùng làm từ tơ tằm, the La Khê đòi hỏi kỹ thuật dệt phức tạp hơn và giá thành cũng có phần cao hơn. Được nằm trong tứ quý danh hương Mỗ La Canh Cót, the lụa La Khê vang danh một thời nay đang dần chìm vào quên lãng.
Làng La Khê từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất tằm tơ, dệt lụa. Làng được hình thành từ thế kỷ thứ 5, lúc đầu có tên là La Ninh. “La” là lụa, “Ninh” là sự thịnh vượng, lâu bền.

Với chất vải mong manh, mềm mát, không rạn, không nhăn, lụa bạch, lụa vân hay sa màu ở La Khê mang những nét đặc trưng không thể lẫn.
Sang đến thế kỷ 15, làng La Ninh đổi thành La Khê. Nhưng các sản phẩm của làng vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi, phục vụ cư dân chốn Kinh kỳ Thăng Long xưa. Đổi tên làng thành La Khê cũng vì làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ bởi đất làng do phù sa sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ bồi đắp nên. Vì vậy đất ở đây rất màu mỡ, thích hợp cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Người dân La Khê cũng bắt đầu sản xuất những sản phẩm thô sơ từ đó mà ra.
Nghề dệt the lụa La Khê phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17, thời điểm này nhiều gia đình người Hán ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, có mười gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng.

Lụa La Khê từng được được mệnh danh là “Tứ quý danh hương” và được dân gian vẫn lưu truyền trong câu ca: “Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh, Cót”…
Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo. So với sồi, đũi, loại hàng the, sa mỏng, nhẹ hơn, nhưng lại rất bền và đẹp, được lựa chọn để may trang phục cho các tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa... Do vậy, năm 1823, Triều đình nhà Nguyễn đã lập La Khê thành một xưởng dệt cho Kinh thành Huế, cả làng được miễn đi lính để phục vụ phát triển nghề.
Sau năm 1954, do ảnh hưởng của chiến tranh, nghề dệt the lụa cũng bị giãn đoạn. Sau đó, mô hình Hợp tác xã ra đời. Cả làng quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay theo mô hình kinh tế tập trung, phục vụ sinh hoạt trong giai đoạn chiến tranh.
Cho đến năm 2002, nhờ có chính sách khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống của Nhà nước, cùng với quyết tâm phục hồi nghề, chính quyền địa phương và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp La Khê và những nghệ nhân trong làng đã bỏ ra nhiều công sức tìm lại sức sống cho nghề the lụa.

Nghệ nhân Lê Đăng Toản đang cố gắng từng ngày bám trụ lại với nghề để cho ra đời những sản phẩm thủ công cao cấp.
Tuy nhiên, việc khôi phục lại nghề cũng gặp muôn vàn khó khăn bởi không còn mấy người biết cách dệt the, khung dệt cũng không còn. Việc phục dựng lại nghề truyền thống phụ thuộc phần lớn vào các nghệ nhân trong làng lúc này tuổi đều đã cao, tâm huyết với nghề, quyết truyền nghề truyền thống lại cho lớp con cháu.
Ngày nay khi đến làng La Khê còn rất ít hộ gia đình còn kiên trì bám trụ với nghề dệt the truyền thống. Hiện ở La Khê còn anh Lê Công Toàn là nghệ nhân duy nhất của làng dệt the. Anh là người tâm huyết với nghề và được mời truyền lại bí quyết cho lớp trẻ.
“Dệt the rất công phu và tỉ mỉ có những mẫu phải mất tới vài tháng mới dệt xong, thậm chí những mẫu hàng phức tạp phải mất nửa năm. Trong đó, công đoạn vẽ hoa để dệt là khó nhất của nghề bởi người vẽ phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối, lúc dệt nên tấm the không bị xô, dạt. Vì vậy mỗi mẫu phải mất vài tháng đến nửa năm mới xong”, anh Toàn chia sẻ.

Từng công đoạn được người nghệ nhân làm vô cùng tỉ mỉ và công phu.
Theo anh Toàn, sản phẩm của La Khê có các họa tiết, hoa văn rất tinh xảo. So với sồi, đũi, hàng the, sa mỏng và nhẹ nhàng hơn nhưng lại rất bền và đẹp, thường được lựa chọn để may trang phục cho Vua Chúa ngày xưa.
Sự mai một của làng nghề the lụa La Khê không chỉ làm mất đi một nghề gắn liền với kế sinh nhai của người dân mà quan trọng hơn đó là mất đi một nghề truyền thống lâu đời, đã vượt qua giới hạn của một làng, trở thành văn hóa của cả một vùng.
Để nghề dệt the ở La Khê phát triển, rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp ngành; trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người làng nghề yêu nghề, “sống’ được với nghề đóng vai trò vô cùng quan trọng.