Tháng Năm nhớ Bác

Với người dân thị xã Mộc Châu, mỗi độ tháng Năm về, trong lòng ai cũng bồi hồi xao xuyến, bởi cách đây 66 năm, Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương đến thăm nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc châu Mộc Châu. Khắc ghi lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Mộc Châu luôn đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Diện mạo thị xã Mộc Châu hiện nay.

Diện mạo thị xã Mộc Châu hiện nay.

“Kim chỉ nam” dẫn đường, soi lối

Ngày 8/5/1959, tại khu làm việc của Ủy ban Hành chính huyện (nay thuộc tổ dân phố 2, phường Mộc Lỵ), Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương đến thăm nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc châu Mộc Châu, Bác ân cần dặn dò: “Tây Bắc có vị trí rất quan trọng. Mộc Châu là cửa ngõ của Tây Bắc, vì vậy Mộc Châu phải phấn đấu xây dựng để phát triển hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ và nhân dân các dân tộc Mộc Châu phải đoàn kết, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và chăm lo sức khỏe nhân dân…Trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao”.

Cùng ngày, Bác Hồ đến thăm Nông trường Quân đội Mộc Châu nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, công nhân (nay là tổ dân phố 19/5, phường Thảo Nguyên), Bác viết vào sổ vàng truyền thống của nông trường: “Luôn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn, tiến lên thật hăng, làm tròn nhiệm vụ”.

Di tích Bác Hồ đến thăm Nông trường Quân đội Mộc Châu.

Di tích Bác Hồ đến thăm Nông trường Quân đội Mộc Châu.

Đồng chí Phạm Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Mộc Châu, chia sẻ: Những lời căn dặn ân cần của Bác luôn là “kim chỉ nam” dẫn đường, soi lối để các thế hệ tiếp nối đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần cần cù lao động, sáng tạo, xây dựng vùng thảo nguyên trù phú, giàu có như ngày hôm nay.

Mộc Châu hôm nay đang ngày càng thay da đổi thịt. Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; năng suất, chất lượng được nâng cao; từng bước xây dựng thương hiệu, hình thành các sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp bình quân toàn huyện ước đạt 80 triệu đồng/ha/năm.

Toàn huyện có trên 11.500 ha cây ăn quả; 24 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 1.125 ha cây rau màu các loại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần phát triển và nâng cao thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu. Đến nay, toàn huyện có 39 sản phẩm OCOP, chiếm 20% của toàn tỉnh, trong đó 18 sản phẩm 4 sao và 21 sản phẩm 3 sao.

Trồng hoa chất lượng cao trong nhà kính tại Mộc Châu.

Trồng hoa chất lượng cao trong nhà kính tại Mộc Châu.

Từ những ngày đầu thành lập Nông trường năm 1958 với 7 con bò sữa, đến nay, Mộc Châu đã có trên 27.000 con; sản lượng sữa đạt trên 30.000 tấn/năm. Từ những hạt giống chè Shan Tuyết ban đầu, sau hơn 60 năm năm bén rễ, ươm mầm trải rộng khắp cao nguyên, khẳng định vị thế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Hiện nay, Mộc Châu có hơn 2.000 ha trồng chè tập trung; có 3 nhà máy chế biến sữa, 13 công ty, cơ sở chế biến chè.

Tiếp nối truyền thống của các cán bộ, chiến sĩ Nông trường năm xưa, Vinatea Mộc Châu đã và đang có những bước phát triển mới, khẳng định thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vinatea Mộc Châu hiện có hơn 550 ha chè nguyên liệu, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 10.000 tấn, sản xuất 2.500 tấn chè thành phẩm. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu có tổng diện tích hơn 329 ha.

Thu hái chè bằng máy tại Vinatea Mộc Châu.

Thu hái chè bằng máy tại Vinatea Mộc Châu.

Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, thông tin: Năm 2023, Vinatea Mộc Châu được tỉnh Sơn La trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án nhà máy chế biến chè Mộc Châu - Tổng Công ty Chè Việt Nam, quy mô 2,5 ha, công suất 125 tấn chè tươi/ngày, tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng. Theo đó, Công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy mới với công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, dây chuyền khép kín, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của Chè Mộc Châu, nâng cao đời sống người lao động và bà con trồng chè.

Với khí hậu trong lành mát mẻ, nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang là tài sản vô cùng quý giá được bảo tồn và gìn giữ, là tài nguyên giàu tiềm năng thu hút hàng chục nhà đầu tư và hàng triệu khách du lịch đến với Mộc Châu. Đến nay, Mộc Châu đã thu hút gần 40 dự án, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ngày 22/4/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Đây là khu du lịch quốc gia thứ 8 trong toàn quốc được công nhận.

Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm, phường Mường Sang.

Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm, phường Mường Sang.

Nhiều mô hình học và làm theo Bác

Khắc ghi lời Bác dặn gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 16/6/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 10 năm qua, Mộc Châu đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.

Nổi bật là mô hình “Hỗ trợ làm đường giao thông 10 bản biên giới đặc biệt khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự” với mục tiêu xã hội hóa để hỗ trợ phát triển đường giao thông nông thôn 10 bản giáp biên giới; đầu tư xây dựng 24,6 km đường với tổng mức vốn đầu tư hơn 35,6 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước gần 20,8 tỷ đồng; nhân dân các dân tộc trong toàn huyện tự nguyện đóng góp, hỗ trợ hơn 14,8 tỷ đồng.

Triển khai thực hiện, các chi bộ, đảng bộ cơ sở, cơ quan, đơn vị trong toàn thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân các dân tộc chung tay đóng góp. Đến nay, đã hoàn thành trên 14,7 km đường giao thông nông thôn và trên 5 km đường điện chiếu sáng ngõ xóm của 10 bản biên giới.

Tuyến đường hoa tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập.

Tuyến đường hoa tại bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập.

Từ một bản biên giới còn nhiều khó khăn, bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, vươn lên mạnh mẽ, là bản biên giới đầu tiên của Mộc Châu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Ông Tráng A Tủa, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Cài, phấn khởi nói: Với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, 100% tuyến đường nội bản được bê tông hóa; 1,8 km đường được lắp điện chiếu sáng. Bà con tích cực thâm canh hơn 100 ha ngô, sắn; 33 ha lúa; 32 ha chè; hơn 100 ha cây ăn quả... thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm. Mừng nhất, bản không còn hộ nghèo.

Giúp hộ nghèo khó khăn về nhà ở an cư lạc nghiệp, Mộc Châu đã xây dựng mô hình làm nhà “Đại đoàn kết”. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ năm 2014 đến nay, Mộc Châu đã vận động, quyên góp được trên 65,1 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 1.151 nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm, nhà tình nghĩa cho 1.151 hộ thuộc diện không thể thoát nghèo, như người già, neo đơn, bệnh hiểm nghèo...

Đặc biệt, cứ vào ngày 17/10 hằng năm, thị xã Mộc Châu lại tổ chức Chương trình an sinh xã hội vì người nghèo và trao nhà đại đoàn kết. Tại chương trình, các nhà hảo tâm trao những ngôi nhà tình nghĩa được vinh danh, ghi công vào sổ vàng truyền thống an sinh xã hội của thị xã, làm sâu sắc thêm tinh thần đoàn kết của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Di tích Lịch sử lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến.

Di tích Lịch sử lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến.

Triển khai mô hình “Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ”, Mộc Châu quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, vừa phục vụ cho phát triển du lịch, vừa đẩy mạnh giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ. Triển khai 2 công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử” tại Đồn Mộc Lỵ và Di tích lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến.

Trong 5 năm qua, đoàn thanh niên các cấp phối hợp với các đơn vị trường học tổ chức hơn 260 đoàn với trên 22.000 lượt học sinh đi tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các công trình có ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn, nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm trên địa bàn thị xã.

Cùng với đó, Mộc Châu còn tổ chức nhiều hội thi, cuộc thi tìm hiểu, viết về tấm gương học tập và làm theo Bác. Tổ chức chuỗi các hoạt động thi đua, chào mừng 60 năm, 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Sơn La, thăm Mộc Châu, thiết thực, ý nghĩa, tiết kiệm, hiệu quả; tạo sức lan tỏa, củng cố tình yêu và niềm tin của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ với Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Đồng chí Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thị ủy Mộc Châu, thông tin: Học và làm theo Bác, Mộc Châu còn triển khai nhiều mô hình, nội dung đột phá, như: “Việc tốt mỗi ngày - chung tay chia sẻ”; “Mỗi ngày một việc làm hay”; “Nét đẹp con người Mộc Châu”... được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, làm theo. Tình yêu thương trong cộng đồng được lan tỏa, tinh thần trách nhiệm của các cấp lãnh đạo được nâng cao, lời căn dặn của Bác “Trong mọi công việc phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao” đã trở thành nếp nghĩ, công việc thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên ở thị xã Mộc Châu, luôn nhắc nhở nhau làm cho thật tốt.

ĐVTN thị xã Mộc Châu chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

ĐVTN thị xã Mộc Châu chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

Những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong học và làm theo Bác của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Mộc Châu chính là những bó hoa tươi thắm dâng lên Bác Hồ kính yêu, nguyện một lòng tiếp tục thực hiện tốt lời Bác dạy, đoàn kết xây dựng cao nguyên Mộc Châu ngày càng giàu đẹp.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/day-manh-hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/thang-nam-nho-bac-cBvJlSxNg.html
Zalo