Chuyện về những sĩ quan 'giữ lửa' giữa trùng khơi

Giữa hải trình đầy sóng gió, những sĩ quan làm công tác hậu cần trên tàu 561 đã tiếp sức cho đoàn công tác vượt sóng đến với Trường Sa, nhà giàn DK-1.

Những người "giữ lửa" giữa trùng khơi

Từ 3h30 sáng, khi hầu hết thành viên trên tàu HQ 561 còn đang say giấc, tổ phục vụ tàu 561 chở Đoàn công tác số 17 đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã bắt đầu một ngày mới.

Họ là 17 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 16 cán bộ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đến từ các đơn vị thuộc Vùng 4 Hải quân. Họ không cầm súng tuần tra canh gác, mà đảm nhận vị trí “giữ lửa” cho đoàn công tác, những đại biểu dân chính đảng đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1.

Một số thành viên trong đoàn công tác tham gia hỗ trợ hậu cần, chuẩn bị các bữa ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng cho các đại biểu

Một số thành viên trong đoàn công tác tham gia hỗ trợ hậu cần, chuẩn bị các bữa ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng cho các đại biểu

Thiếu tá Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ nhiệm Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Lữ đoàn 955 chia sẻ: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, thể hiện hình ảnh, uy tín và tinh thần quân dân gắn bó nơi đầu sóng. Bởi vậy, từng người trong tổ phục vụ đều được lựa chọn kỹ, biết nấu ăn, có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.

Từ việc lên thực đơn, sơ chế nguyên liệu, nấu nướng, bày biện, phục vụ từng suất ăn đến thu dọn, vệ sinh, tất cả đều do tổ đảm nhận. Không chỉ phục vụ 3 bữa ăn chính, họ còn phải chuẩn bị bữa phụ, đồ ăn nhẹ cho các đại biểu bị say sóng, nhất là những đại biểu chưa quen sóng gió khi tàu gặp thời tiết xấu.

Chúng tôi nấu ăn với tinh thần như làm nhiệm vụ chiến đấu” - Đại úy Vũ Văn Quang, đến từ Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật 719, chia sẻ. Theo Đại úy: “Có những chuyến tàu cuối năm ra đảo, biển động, sóng lớn, có khi dọn mâm xong là bị hất tung, rơi hết. Lại làm lại. Nhưng chưa bao giờ, chúng tôi cho phép mình than vãn. Chỉ mong sao các đại biểu đủ sức khỏe để cảm nhận trọn vẹn hành trình thiêng liêng này”.

Gửi trọn yêu thương trong từng bữa ăn

Một ngày dài với 4 bữa phục vụ, hơn 200 suất ăn, tổ phục vụ gần như không có giấc ngủ trọn vẹn. Dậy sớm từ 3h30 để lo bữa sáng, nghỉ buổi trưa vỏn vẹn 30 phút, rồi tiếp tục bữa chiều, tối, đến tận khuya mới xong việc. Có ngày, sau khi đại biểu kết thúc hoạt động giao lưu cũng là lúc đồng hồ điểm gần 23 giờ đêm. Lúc này, các thành viên trong tổ phục vụ mới bắt đầu ăn tối, dọn dẹp, vệ sinh cá nhân và nhiều hôm nghỉ ngơi khi đồng hồ đã chỉ gần 1h sáng.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Trên tàu, không gian chật hẹp, việc bố trí các điểm ăn uống cho đoàn công tác cũng là một thử thách lớn. Mỗi bàn ăn chỉ có thể phục vụ 6 người, đặt rải rác nhiều nơi. Việc mang đồ ăn, phục vụ theo từng khoang tàu, yêu cầu tổ phục vụ phải tính toán, phân công nhịp nhàng, vừa đảm bảo đúng người đúng khẩu phần, vừa tránh va chạm trong di chuyển.

Để có những bữa ăn đảm bảo sức khỏe cho đại biểu, các sĩ quan trong tổ phục vụ phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị

Để có những bữa ăn đảm bảo sức khỏe cho đại biểu, các sĩ quan trong tổ phục vụ phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị

Đặc biệt, khi đại biểu bị say sóng, ăn không nổi, tổ phải nắm bắt tình hình sức khỏe từng người, kịp thời điều chỉnh thực đơn như cháo hoặc lương khô để giữ sức.

Không chỉ phát đồ ăn, các anh còn đến từng phòng hỏi thăm, trấn an tinh thần, giúp đại biểu vượt qua cơn mệt mỏi để yên tâm tiếp tục hành trình.

Trên tàu HQ 561, không ít đại biểu đã xúc động khi chứng kiến sự tận tình đó. Chị Trần Thị Hiền - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên - cho biết: “Tôi thật sự khâm phục các anh. Giữa con tàu chao nghiêng, các anh vẫn giữ được bữa cơm nóng hổi, tinh tươm, lại phục vụ tận nơi với thái độ niềm nở, chu đáo. Đó không chỉ là hậu cần, mà là nghĩa tình quân dân sâu nặng”.

Nơi sẻ chia vượt qua mọi mệt mỏi

Không ít đại biểu, nhất là nữ, khi chứng kiến sự vất vả của tổ phục vụ đã tự nguyện chia sẻ phần việc như nhặt rau, rửa bát, phát cơm. Những hành động nhỏ nhưng đầy ấm áp ấy như tiếp thêm động lực cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ “anh nuôi”. Họ không còn đơn độc với công việc thầm lặng, mà cảm nhận được sự đồng hành, chia sẻ chân thành từ những người khách đặc biệt trên hành trình ra đảo xa.

Thượng úy Quang kể: “Có những ngày sóng mạnh để có thể hoàn thành nấu ăn trên tàu là điều không dễ dàng. Nhưng chúng tôi vẫn phải giữ vững “lửa trong bếp” để đảm bảo từng suất ăn. Đó là ý chí của người lính Hải quân”. Anh cũng không quên kể về những chuyến đi mùa bão cuối năm, khi biển dữ dằn hơn, số người say sóng nhiều hơn, và việc nấu ăn lúc đó chẳng khác gì làm “xiếc” giữa đại dương.

Không chỉ lo phần ăn, tổ phục vụ còn đảm nhận công tác vệ sinh môi trường trên tàu, từ phân loại rác, ép rác vô cơ, xử lý rác hữu cơ… Tất cả tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo bảo vệ môi trường biển của Quân chủng Hải quân.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh thay mặt Đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, sĩ quan tàu 561 và tổ phục vụ

Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh thay mặt Đoàn công tác tặng quà cho cán bộ, sĩ quan tàu 561 và tổ phục vụ

Điều đáng trân trọng là, trong số 17 người thuộc tổ phục vụ, ngoài 1 chiến sĩ, 16 người còn lại đều có quân hàm từ Trung úy đến Trung tá, nhưng các anh vẫn không ngần ngại xắn tay áo, vào bếp, rửa bát, phát cơm.

Chúng tôi gọi vui tổ hậu cần trên tàu 561 là “Tổ sĩ quan rửa bát”, nhưng lại hết sức cảm phục các anh, những người giữ lửa cho hành trình ra Trường Sa” - chị Hiền cho hay.

Trường Sa, nơi đầu sóng Tổ quốc, giữa biển khơi, không chỉ có những chiến sĩ canh giữ từng tấc đảo, từng vùng biển, mà còn có những người lính âm thầm như tổ phục vụ trên tàu HQ 561. Họ không làm thơ, không phát biểu, không biểu diễn nghệ thuật, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất bằng sự tận tụy, kiên cường, sẻ chia và đầy ắp tình người.

Những người lính, bằng công việc bình dị nhất lo chuyện bếp núc…, đã tạo nên những bữa cơm ấm áp nghĩa tình, vun đắp tình đoàn kết quân dân, tiếp sức cho hành trình vươn khơi bảo vệ biển đảo quê hương.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-ve-nhung-si-quan-giu-lua-giua-trung-khoi-386713.html
Zalo