Sotheby's dừng đấu giá xá lợi Phật thuộc 'khám phá khảo cổ phi thường nhất lịch sử'
Nhà đấu giá Sotheby's đã hoãn cuộc đấu giá tại Hong Kong liên quan đến hàng trăm bảo vật linh thiêng được cho là xá lợi của Đức Phật, sau khi chính phủ Ấn Độ dọa sẽ khởi kiện họ.

Sotheby's đã hoãn phiên đấu giá bộ đá quý được cho là ngọc xá lợi Phật tại tại Hong Kong. Ảnh: Sotheby's
Theo BBC, bộ sưu tập bảo vật - được mô tả là một trong những phát hiện khảo cổ đáng kinh ngạc nhất của thời hiện đại - đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới học giả Phật giáo và các lãnh đạo tôn giáo. Chính phủ Ấn Độ khẳng định tổ chức cuộc đấu giá này đã xúc phạm cộng đồng Phật tử toàn cầu.
Sotheby’s cho biết việc tạm dừng phiên đấu giá sẽ tạo điều kiện để các bên liên quan tiến hành đàm phán.
Các bảo vật trong bộ sưu tập trên được một viên chức người Anh tên là William Claxton Peppé khai quật tại miền bắc Ấn Độ gần 130 năm trước, cùng với các xá lợi xương được xác định là thuộc về Đức Phật.
Cuộc đấu giá bộ sưu tập mang tên "Ngọc Piprahwa của Đức Phật lịch sử – Đế chế Maurya, thời Ashoka, khoảng năm 240–200 trước Công nguyên", theo kế hoạch diễn ra vào ngày 7/5.
Trong một tuyên bố qua email, Sotheby’s cho biết: “Xét đến các vấn đề được chính phủ Ấn Độ nêu ra, và với sự đồng thuận của bên ký gửi bộ sưu tập, cuộc đấu giá… đã được hoãn lại”. Nhà đấu giá này cũng cho biết sẽ cập nhật thông tin về các cuộc đàm phán khi thích hợp.
Đến ngày 7/5, thông báo về cuộc đấu giá bộ ngọc đã bị gỡ khỏi trụ sở Sotheby’s và trang web quảng bá phiên đấu giá này cũng không còn xem được.
Ấn Độ đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc đấu giá vì cho rằng đây là hành vi xúc phạm đến 500 triệu Phật tử trên toàn thế giới và vi phạm luật pháp Ấn Độ, luật pháp quốc tế và các công ước của Liên hợp quốc.
Trong một bức thư gửi tới nhà đấu giá hai ngày trước phiên đấu giá, chính phủ Ấn Độ nêu rõ các xá lợi này là di sản tôn giáo và văn hóa thiêng liêng, không thể chuyển nhượng của Ấn Độ và cộng đồng Phật tử toàn cầu. Việc bán chúng là vi phạm luật pháp Ấn Độ và quốc tế, cũng như các công ước của Liên hợp quốc.
Một phái đoàn cấp cao của chính phủ Ấn Độ sau đó đã có cuộc trao đổi với đại diện của Sotheby’s vào ngày 6/5.
Theo tờ The Independent, "Ngọc Piprahwa", một phần trong kho báu lộng lẫy gồm hơn 1.800 hiện vật hiện đang được lưu giữ chủ yếu tại Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata, được đặt theo tên của thị trấn ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ hiện nay, nơi chúng từng được chôn cất trong một bảo tháp vào khoảng năm 200 đến 240 trước Công nguyên.

Ngọc Piprahwa là một phần trong kho báu lộng lẫy gồm hơn 1.800 hiện vật, chủ yếu được lưu giữ tại Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata. Ảnh: Sotheby's
Người ta cho rằng những ngọc xá lợi này được để lại kim thân đã hỏa táng của Đức Phật, người nhập diệt khoảng 200 năm trước đó và nhiều Phật tử tin rằng chúng là biểu tượng cho công đức tu hành cao quý cũng như sự hiện thân của Đức Phật.
334 viên ngọc đã được lên lịch bán đấu giá ngày 7/5 tại Hong Kong, nơi Sotheby's đã trưng bày bộ sưu tập trong một cuộc triển lãm công cộng. Các bảo vật dự kiến sẽ được bán với giá khoảng 100 triệu đô la Hong Kong (12,9 triệu USD).
"Không có thứ gì có tầm quan trọng tương đương trong Phật giáo thời kỳ đầu từng xuất hiện tại cuộc đấu giá", Sotheby's cho biết trên trang web của mình. Hãng đấu giá này cũng từng tuyên bố hồi tháng 2 rằng, phát hiện vào năm 1898 này “nằm trong số những khám phá khảo cổ phi thường nhất trong lịch sử”.
Ông William Claxton Peppé là một quản lý điền trang người Anh, đã khai quật được một bảo tháp tại Piprahwa, phía nam thành Lâm Tỳ Ni, được cho là nơi Đức Phật đản sinh. Ông Peppé tìm thấy các xá lợi được khắc chữ và tôn thờ từ gần 2.000 năm trước.
Các hiện vật bao gồm gần 1.800 viên đá quý - trong đó có hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc và các tấm vàng hoa văn - được cất giữ trong một căn phòng xây gạch. Hiện địa điểm này thuộc bang Uttar Pradesh.
Vào thời điểm các bảo vật được phát hiện, chính quyền thực dân Anh đã tuyên bố quyền sở hữu đối với các vật báu được khai quật, theo Đạo luật Kho báu Ấn Độ năm 1878. Tuy nhiên sau đó họ trao tặng lại các thánh tích của Đức Phật cho Vua Chulalongkorn của Thái Lan – một vị vua sùng đạo Phật, như một hành động mang tính ngoại giao và tôn giáo. Gia đình Peppé được phép giữ lại 1/5 số di vật này và chúng đã được truyền lại qua nhiều thế hệ.
"Tôi hy vọng chúng sẽ đến tay một người thực sự trân trọng chúng", Chris Peppé, chắt của ông Peppé, đã viết trong một bài viết vào tháng 2 cho Sotheby's kèm theo danh mục đấu giá.
Chris Peppé nói với BBC rằng gia đình ông đã xem xét khả năng tặng những di vật này nhưng đã gặp phải trở ngại và rằng một cuộc đấu giá có vẻ là "cách công bằng và minh bạch nhất để chuyển những di vật quý này cho Phật tử".