Thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Với khát vọng giành hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, quân và dân ta đã phát huy ý chí quật khởi, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và đã giành thắng lợi. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một huyền thoại, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng
Độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng của người dân Việt Nam yêu nước. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi oanh liệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, mở ra thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc.

Chiếc xe tăng đầu tiên (mang số hiệu 390) của quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975. Ảnh: TƯ LIỆU
Miền Bắc được giải phóng, bắt tay xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam. Mặc dù đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, song chúng “không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “mỗi người làm việc bằng hai”, nhân dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương lớn, với quyết tâm thực hiện khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cách mạng miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với quyết tâm Nam Bắc sum họp một nhà. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân miền Nam phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, bền bỉ đấu tranh với tinh thần và ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, dù “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa... song nhân dân việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Mốc son chói lọi
Bước sang giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng miền Nam đã đến, quyết định tiến hành mở cuộc tiến công chiến lược nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đầu tháng 10/1974, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975 - 1976; đồng thời nhấn mạnh: Nếu thời cơ đến, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Đây là một sáng tạo lớn trong nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị cuộc tổng tiến công của Đảng. Đồng thời, sau khi phân tích tình hình ở miền Nam, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam với Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên ngày 4/3/1975 với trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên ngày 24/3/1975.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NGỌC ĐỨC
Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 241-NQ/TW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương, nhằm thực hiện nhiệm vụ “huy động sức người, sức của thật đầy đủ, kịp thời để đáp ứng mọi yêu cầu của miền Nam trong tình hình mới”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, khắp mọi miền đất nước quân và dân khẩn trương tập trung sức người, sức của cho trận quyết chiến cuối cùng. Chỉ riêng miền Bắc đã huy động 80% quân số, 81% vũ khí, 60% nhiên liệu, 65% thuốc và dụng cụ y tế, 85% phương tiện vận tải cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chủ yếu được vận chuyển qua các tuyến đường Trường Sơn; huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cho chiến dịch tiến công quy mô lớn.
Trước đà thắng lợi lớn ở Tây Nguyên, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam trước mùa mưa; mở chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng từ ngày 21 - 29/3/1975 và giành thắng lợi, làm tan rã toàn bộ tuyến phòng thủ chiến lược của Mỹ ở miền Trung, tạo bước ngoặt quyết định cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 1/4/1975, căn cứ vào những thắng lợi liên tiếp của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975. Ngày 7/4/1975, lệnh động viên được triển khai với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ thời gian từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Các lực lượng chuẩn bị tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 26/4/1975, bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta được lệnh tổng công kích; 5 cánh quân đồng loạt tiến công trên 5 hướng: Hướng bắc - Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng); hướng tây bắc - Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên); hướng đông nam - Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang); hướng đông - Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long); hướng tây và tây nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8), nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. Trước cuộc tiến công như vũ bão của quân và dân ta, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập; kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, non sông thu về một mối; mở ra kỷ nguyên mới- kỷ nguyên thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, tinh thần yêu nước, kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Đến nay, tròn 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lòng yêu nước, tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vững tin bước vào Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.