Tháng Giêng, mười bảy nhớ về chọi trâu

Lễ hội truyền thống chọi trâu xã Hải Lựu, huyện Sông Lô là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của cư dân địa phương. Sau ngày được phục dựng, lễ hội chọi trâu Hải Lựu không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách thập phương.

Độc đáo lễ hội cổ xưa

Dù ai đi đâu, ở đâu/Tháng Giêng mười bảy chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng Giêng mười bảy nhớ về chọi trâu. Câu ca cổ xưa đã gắn bó suốt chiều dài lịch sử của mảnh đất và cư dân vùng Hải Lựu, thể hiện truyền thống và sức sống của lễ hội mang đậm tinh thần thượng võ, tính táo bạo và lòng quả cảm của người dân nơi đây.

Những trận đấu nảy lửa tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2025.

Những trận đấu nảy lửa tại lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2025.

Từ năm 1947, do chiến tranh chống Pháp ác liệt và do nhiều lý do khác, Lễ hội chọi trâu không tổ chức được. Sau 55 năm gián đoạn, năm 2002, lễ hội được khôi phục và ngày càng phát triển.

Tương truyền lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, lúc này nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, huyện Sông Lô để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn vinh thờ làm Thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.

Các “chiến ngưu” - trâu chọi tham gia lễ hội được người dân địa phương gọi là các “ông Cầu” - tên gọi thân thiết này gửi gắm ước vọng của người dân về một đời sống sung túc, no ấm, thanh bình. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu Xuân Ất Tỵ 2025 có 20 “ông Cầu” đến từ các thôn dân cư và các ngành, đoàn thể trên địa bàn xã tham gia tranh tài.

Nét văn hóa độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là các “ông Cầu” đều được các tập thể nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, thôn hoặc họ tộc...). Hằng năm, vào khoảng tháng 7, 8, người dân nơi đây lặn lội lên tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu... để tìm những con trâu khỏe đẹp mua về nuôi dưỡng, huấn luyện.

Việc chăm sóc trâu được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng. Gia đình này phải có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hòa thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả... nghĩa là một gia đình văn hóa, các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô, bột sắn, cám gạo...).

Theo thời gian, lễ hội chọi trâu Hải Lựu trở thành một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa nhất còn lưu giữ được vẻ nguyên sơ. Ở đây không có những toan tính thái quá của con người, không có trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược... Tất cả các trâu dù thắng hay thua đều là những trâu khỏe mạnh. Ngay sau khi lễ hội kết thúc, các “ông Cầu” đều “được” giết thịt, liên hoan tập thể, ai cũng mong được thưởng thức món thịt trâu quý và mong một năm mới có sức khỏe “như trâu”. Mọi người vừa vui bên mâm cỗ, vừa bàn đến những miếng võ đẹp của trâu... rồi lại tiếp tục bàn việc giữa năm, cộng đồng cử người đi tìm mua trâu mới chuẩn bị cho mùa lễ hội năm sau.

Ấn tượng trong lòng du khách

Sau hơn 20 năm được phục dựng, lễ hội chọi trâu Hải Lựu vẫn giữ nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của cư dân địa phương, trở thành lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách thập phương.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt du khách thập phương.

Háo hức xem những trận tranh tài nảy lửa trong ngày khai mạc, anh Nguyễn Văn Thanh và chị Phạm Thu Hương đến từ thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, giống như hàng vạn khán giả trên sân, vô cùng hào hứng chia sẻ: “Gia đình tôi hôm nay có 8 người đi xem lễ hội. Buổi chọi trâu hôm nay rất kịch tính. Tôi ngồi trên khán đài mà rất hồi hộp. Xem trực tiếp thế này hay hơn nhiều xem trên truyền hình. Lễ hội cũng giúp tôi hiểu hơn về vùng đất cổ giàu truyền thống Hải Lựu”

“Đây là năm thứ 3 liên tiếp tôi đến tham dự lễ hội chọi trâu Hải Lựu. Xem các trận đấu tại lễ hội, tôi vô cùng thích thú trước nét đẹp văn hóa đến từ cách tiếp cận trận đấu của những "ông Cầu". Bao giờ chúng cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khỏe để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía său lưng hay mạng sườn, điều này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc”, ông Nguyễn Tuấn Huy, du khách đến từ tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Không chỉ đánh giá cao những trận đấu hấp dẫn trên sới chọi, nhiều du khách đến với lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm nay bày tỏ sự hài lòng về công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong lễ hội.

"Tôi thấy rằng những năm gần đây, lễ hội đã có những thay đổi rất đáng ghi nhận trong công tác tổ chức. Một trong những điểm khác biệt là Ban Tổ chức rất quan tâm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Ngoài lực lượng đảm bảo trật tự của địa phương còn có rất nhiều chiến sĩ công an được huy động tham gia đảm bảo an toàn trong và ngoài lễ hội. Nhờ đó, trong những ngày lễ hội, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự”, anh Nguyễn Tiến Hùng, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội chia sẻ.

Theo quan niệm của người xưa, lễ hội chọi trâu không chỉ mang giá trị tâm linh và thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông mà còn mang lại nhiều điều tốt lành. Vì thế, đến với lễ hội chọi trâu, ngoài xem các trận đấu hay của các "ông Cầu", du khách đều mong muốn có được một chút thịt trâu chọi mang về để lấy may trong năm mới.

“Một trong những điều du khách quan tâm nhất là làm sao mua đúng thịt trâu chọi, tránh tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó". Cá nhân tôi thấy rằng việc Ban Tổ chức quy hoạch một khu bán thịt trâu chọi riêng là rất phù hợp. Các "ông Cầu" sau khi thi đấu đều được đưa ra khu vực chung để giết mổ, được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và được bày bán theo thứ tự từng ô nhằm đảm bảo cho du khách mua được đúng thịt trâu chọi. Nhờ đó, những du khách ở xa như chúng tôi rất vui vẻ và yên tâm khi bỏ tiền ra mua thịt trâu chọi về làm quà cho người thân”, chị Nguyễn Thu Phương, du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh tâm sự.

Có thể khẳng định, làm tốt công tác tổ chức là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2025. Thực tế đã chứng minh, trong suốt hơn 20 năm qua, lễ hội chọi trâu Hải Lựu không ngừng được hoàn thiện, nâng cao về quy mô, nâng tầm về chất lượng, đồng thời giữ nguyên những yếu tố dân gian, những giá trị văn hóa truyền thống, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123779//thang-gieng-muoi-bay-nho-ve-choi-trau
Zalo