Tháng 3 lịch sử đấu tranh trên quê hương tỉnh Bình Phước (tiếp theo kỳ trước)

Bình Phước có nhiều sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa. Tháng 3 lịch sử đấu tranh trên quê hương tỉnh Bình Phước là sự kiện được đăng tải trên Báo Bình Phước tháng 3-1997.

THÁNG 3 LỊCH SỬ ĐẤU TRANH TRÊN QUÊ HƯƠNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (1955-1965)

(Báo Bình Phước, 19-3-1997)

NGUYỄN MINH ĐỨC

13-3-1955, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Lộc Ninh do đồng chí Nguyễn Văn Tuyết làm bí thư và 3 đảng viên khác đã bí mật lãnh đạo qua tổ chức “Hội lao công tương tế” để phát động hội viên đấu tranh với chủ đồn điền là Đơ-la-lăng.

Buổi sáng có 12 ngàn công nhân đồn Xét-cô kéo về thị trấn Lộc Ninh đưa 7 yêu sách cho chủ sở. Hắn không chấp nhận lại còn cấu kết với ngụy quyền đưa một tiểu đoàn lính nùng đến đàn áp anh chị em ta.

Buổi chiều, lực lượng cũ vẫn bám trụ và được tăng cường thêm 5 ngàn công nhân đưa tổng số lên 17 ngàn người làm áp lực mạnh mẽ buộc phải giải quyết 5 yêu sách, còn lại 2 điều nữa, chúng hứa sẽ tiếp tục đáp ứng.

Hạ tuần tháng 4-1955, đã có vài ba nam nữ công nhân Lộc Ninh thoát li gia đình, bỏ việc làm, ra rừng hoạt động bất hợp pháp. Họ tự tạo ra vũ khí để bảo vệ không thể nào dùng tay không để giặc đàn áp đấu tranh của ta. Đó còn là những người bị lộ diện qua cuộc đấu lý với chủ sở, có sáng kiến mang tính tích cực nhất.

- 25-3-1955, Trần Quốc Bửu cho tay sai đứng ra tổ chức các Liên đoàn lao công ở đồn điền Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng, Đa Kia, Thuận Lợi, v.v…

Bên ta vừa chống lại, vừa bí mật cử cán bộ tốt tham gia tranh cử vào một vài vị trí trong ban lãnh đạo.

Quý 1/1956, tại Phước Sang địch bắt 2 đảng viên cộng sản và 22 quần chúng yêu nước tích cực tham gia tranh đấu vừa qua. Lập tức đồng chí Tám Hóa và các đảng viên còn lại đứng ra vận động đông đảo nhân dân lên gặp nhà cầm quyền sở tại đòi trả tự do cho các người bị bắt.

- Trong mùa xuân 1957, ở Lộc Ninh, bọn tay sai Mỹ - Ngụy thực hiện “tố cộng” và bắt giam Trần Văn Đáng, Chủ tịch nghiệp đoàn. Bên ta đối phó kịp thời, tổ chức hàng ngàn công nhân và đồng bào Sêtiêng, Mơ Nông, Tà Mun, Khơ Me đòi trả tự do cho người của mình. Súng địch nổ làm 43 anh chị em bị thương, làn sóng căm phẫn dâng cao.

Quý 1/1957, trên địa bàn Phước Long đã có 3 chi bộ Đảng của ta hoạt động ở Tân Thuận, Thuận Lợi, Bù Ka. Với 10 đảng viên còn lại sau vụ “tố công”, họ chuẩn bị lập ra Ban cán sự Đảng để tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh.

Quý 1/1958, theo chủ trương của cấp ủy Đảng, thành lập một đơn vị vũ trang có 47 người tại Bù Cháp. Họ được sự ủng hộ thường xuyên của đồng bào Bù Cháp, Lý Lịch, Suối Giai và nhân dân An Linh, An Long, Phước Sang. Về sau đơn vị này nhanh chóng phát triển, số lượng lên đến 400 người.

Giữa tháng 3-1960, đồng khởi đợt 2 của nhân dân và công nhân ở các đồn điền cao su Lộc Ninh, Hớn Quản, xa lộ Cô 6, Tếch Ních, Ninh Hòa, Ninh Thạnh, Đa Kia, Thuận Lợi, Bù Đốp.

Ban ngày đồng bào đi biểu tình, gặp trực tiếp nhà cầm quyền xã và chủ sở đưa yêu sách. Ban đêm, họ thổi tù và đánh mõ, gõ thùng thiếc gây không khí náo động khắp xóm làng. Các đội tự vệ vũ trang đi lùng sục bắt bọn ác ôn, tề điệp. Nhiều tên Ngụy bỏ trụ sở chạy trốn, một số ít bị ta bắt được đưa ra xử tội.

- Trong tháng 3-1962, lực lượng vũ trang Bình Long và mũi đấu tranh binh vận liên tục đánh nhiều nơi, nổi nhất là trận diệt đồn Tân Khai, do đơn vị Q762 và du kích thực hiện. Chiến thắng này làm gãy kế hoạch “Bình Định” của địch. Do đó chúng rút quân về cố thủ An Lộc, Chơn Thành. Nhờ kết quả đó vùng dân cư nông thôn, đồn điền, rừng sâu xa trục lộ 13 đều do bên ta làm chủ.

- Ngày 15-3-1962, MTDT GPMNVN ra lời kêu gọi và nêu rõ lập trường của mình: “Nếu Đế quốc Mỹ ngoan cố điên cuồng vũ trang qui mô xâm lược MNVN để thực hiện mưu đồ nô dịch nhân dân ta, thì nhân dân ta quyết đoàn kết một lòng, hy sinh chiến đấu đến cùng để giữ vững nền độc lập, giành quyền sống, tự do, dân chủ của mình”. Với lời hiệu triệu này, được sự đồng tình hưởng ứng của đồng bào khắp nơi và các lực lượng vũ trang.

- Tháng 3-1962, tại Lộc Ninh địch gom dân Bù Đốp, Cốc Rưởi và công nhân làng 10 lập 3 ấp chiến lược mới. Tuy bị nhốt vào cảnh cá chậu, chim lồng, nhưng đồng bào vẫn bí mật ủng hộ kháng chiến, vì trong đó đã có gia đình, cơ sở của ta chiếm gấp phần nửa tổng số hộ như ấp chiến lược Cốc Rưởi và Bêlin.

Huyện ủy Lộc Ninh chọn họ để làm điểm chỉ đạo công tác phá ấp chiến lược trong toàn huyện.

Tháng 3-1965, ở Lộc Ninh và Bình Long, ở vùng du kích và tự do như đồng bào Sêtiêng, Khơ Me, Tà Mun tích cực tham gia công tác dân công vận tải phục vụ các chiến dịch và thanh niên hăng hái tòng quân. Đồng bào dân tộc trong các ấp chiến lược Sóc Xiêm, Phú Miên, Tống Cúc… đã đồng loạt nổi dậy phá ấp này và quay về quê cũ làm ăn.

Tháng 3-1965, quân dân hai tỉnh Phước Long và Bình Long chuẩn bị công tác hậu cần cho chiến dịch sắp triển khai. Trong không khí hậu phương vì tiền phương, tại sóc Bom Bo, chỉ hai ngày đêm, đồng bào đem hết sức mình hoàn thành 5 tấn gạo trắng để nuôi quân.

Nhạc sĩ Xuân Hồng vô cùng xúc động và nhạy cảm trước tinh thần yêu nước cao cả này, anh đã viết thành công ca khúc “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”, như đưa tấm gương sáng anh hùng về tình quân dân ở núi rừng Bình Phước làm vang dội khắp đất trời Tổ quốc.

Nay nhạc phẩm ấy trở thành di sản quý báu nhất không riêng gì của đồng bào Sóc Bom Bo.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/169134/thang-3-lich-su-dau-tranh-tren-que-huong-tinh-binh-phuoc-tiep-theo-ky-truoc
Zalo