Tháng 3 lịch sử đấu tranh trên quê hương tỉnh Bình Phước
Bình Phước có nhiều sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa. Tháng 3 lịch sử đấu tranh trên quê hương tỉnh Bình Phước là sự kiện được đăng tải trên Báo Bình Phước tháng 3-1997.
THÁNG 3 LỊCH SỬ ĐẤU TRANH TRÊN QUÊ HƯƠNG TỈNH BÌNH PHƯỚC (1941-1950)
(Báo Bình Phước, 12-3-1997)
NGUYỄN MINH ĐỨC
- Cuối mùa xuân năm 1914, nghĩa quân của Nơ Trang Long hạ quyết tâm diệt đồn Bu-mê-ra. Vị trí quân sự này như mũi dao nhọn cắm sâu vào thân thể người Mơ Nông ở cao nguyên.
Chỉ huy trưởng là Hang-ri-met có nhiều nợ máu với dân làng, chính nó hãm hại vợ con của Nơ Trang Long. Đồng bào ta và nghĩa quân vô cùng căm tức nên đồng tâm hiệp lực hạ đồn này.
- Trong tháng 3-1914, ông Điểu Đố, thủ lĩnh nghĩa quân Sêtiêng - Châu Ro, có căn cứ tại Núi Gió (Quản Lợi) đã xuất quân với vũ khí thô sơ, xông vào đồn giặc ở Bù Đốp và ở Hớn Quản, trị tội bọn ác ôn.
Đồng bào dân tộc thường xuyên cung cấp gạo muối cho con em mình ở căn cứ. Nghĩa quân bảo vệ dân làng mỗi khi giặc vào càn quét. Họ tồn tại đến 10 năm sau mới tan rã.
- Tháng 3-1928, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh (bí danh Nguyễn Xuân Cừ), từ Bắc Bộ đến đồn Phú Riềng làm nhiệm vụ “vô sản hóa”, theo sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự là Ủy kỳ bộ VNTNCMĐCH Bắc kỳ.
Đồng chí Cừ nhập vào công nhân Phú Riềng cho đến đầu năm 1930 mới bị chủ trục xuất. Suốt thời gian hoạt động ở đây đã đưa phong trào đấu tranh tự phát lên tự giác, trên cơ sở tổ chức đoàn thể VNTNCMĐCH và chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Phú Riềng.
- Tháng 3-1930, theo lệnh Chánh mật thám Đông Dương là Ác-Nu, quận trưởng Bà Rá là Mo-Re, đưa 10 tên lính sen đầm và 120 nhân viên an ninh việt gian đến Phú Riềng “khủng bố nguội” sau vụ tổng bãi công vừa qua.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_415_51473238/6efbe1ffd0b139ef60a0.jpg)
Chúng đã bắt Trần Tử Bình, Bí thư chi bộ, nhiều đảng viên, cán bộ nghiệp đoàn và hơn 100 công nhân tham gia tự vệ, biểu tình kỳ rồi.
Đây là sự thiệt hại lớn nhất đối với phong trào công nhân nói chung và Phú Riềng nói riêng.
Tháng 3-1933, ông Rơ-Đinh chỉ huy một đơn vị Sêtiêng ở vùng Bù Koh phối hợp với các đơn vị bạn tấn công địch.
Bên ta thất bại, Rơ-Đinh bị lọt vào tay giặc, nhưng ông vẫn tròn khí tiết nghĩa quân làm cho kẻ thù lo sợ và đồng bào kính trọng.
Tháng 3-1945, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một cử đồng chí Nguyễn Văn Trung, Tỉnh ủy viên đến hoạt động vùng Hớn Quản - Lộc Ninh, phụ trách công nhân và đồng bào dân tộc.
Đồng chí Trung bắt liên lạc với đồng chí Lê Đức Anh, cán bộ đảng hoạt động tại đồn điền Lộc Ninh. Hai đồng chí trao đổi công tác với nhau để thực hiện chỉ thị của Đảng về việc chuẩn bị khởi nghĩa… Từ đây, đồng chí Trung tiếp tục đi sang đồn điền Phú Riềng, Thuận Lợi và Đa Kia để vận động công nhân tham gia phong trào yêu nước.
- 7 giờ sáng 10-2-1945, tù chính trị Bà Rá gồm 200 cán bộ, đảng viên cộng sản, quần chúng yêu nước… đã tự giải thoát ra khỏi sự kiểm soát Nhật - Pháp và trở về địa phương để tiếp tục nhiệm vụ mới.
- Tháng 3-1947, chi bộ Đảng do Bí thư là Dương Minh Chánh, xã An Linh đã phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong vùng du kích, củng cố đoàn thể và đội du kích làm công tác tốt.
- Cuối quý 1/1950, phong trào kháng chiến Bù Na, Bù Tết, Bù Tôn đã lên cao, biểu hiện có mấy gia đình nhà giàu và tổng lý cho con cháu tham gia việc nước, không làm cho ngụy quyền, Pháp.
Đáng chú ý nhất là anh Prăng, con nuôi ông Diêng, người Sêtiêng ở Bù Tôn, đi kháng chiến. Về sau này Prăng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.