Tham vọng 'xé nhỏ' Google và Meta: Bài học với nước Mỹ khi chia tách những 'gã khổng lồ'

Lần đầu tiên kể từ vụ Microsoft vào cuối những năm 1990, các tòa án liên bang tại Mỹ lại đang xem xét phương án chia tách những 'người khổng lồ' với cáo buộc độc quyền — một chiến thuật gợi nhớ đến vụ Standard Oil trong lịch sử.

Biểu tượng Meta và Facebook trên màn hình điện thoại thông minh ở Paris, Pháp. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Biểu tượng Meta và Facebook trên màn hình điện thoại thông minh ở Paris, Pháp. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo tờ New York Times, lần gần nhất các tòa án Mỹ nghiêm túc cân nhắc việc chia tách một công ty công nghệ khổng lồ là cách đây 1/4 thế kỷ, khi Microsoft bị kết luận đã vi phạm luật cạnh tranh bằng cách bóp nghẹt đối thủ trong lĩnh vực phần mềm máy tính cá nhân.

Một thẩm phán của Tòa án Liên bang đã ủng hộ việc buộc Microsoft tách làm hai, tách biệt hệ điều hành Windows - khi đó là sản phẩm độc quyền - khỏi bộ phần mềm văn phòng Office và các phần mềm khác. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm sau đó đã bác bỏ quyết định này, gọi phán quyết chia tách là “một loại biện pháp chỉ nên áp dụng với sự thận trọng tối đa, một phần vì hiệu quả lâu dài của nó hiếm khi chắc chắn.”

Trong tháng 4 này, tại hai phiên tòa mang tính bước ngoặt diễn ra tại Washington D.C., vấn đề chia tách các tập đoàn công nghệ lớn lại được đặt lên bàn cân pháp lý.

Tại phiên tòa chống độc quyền khai mạc ngày 14/4, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) lập luận rằng Meta đã duy trì một thế độc quyền phi pháp trong lĩnh vực mạng xã hội thông qua việc thâu tóm Instagram và WhatsApp. Cơ quan này yêu cầu Meta phải thoái vốn, tức buộc phải bán lại cả hai nền tảng này.

Và vào tuần tới, trong một phiên tòa riêng biệt, một thẩm phán liên bang sẽ tiếp tục nghe lập luận từ Bộ Tư pháp về lý do tại sao tòa án nên chia tách Google nhằm khắc phục sự độc quyền của công ty này trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

“Thoái vốn có thể là một biện pháp hoàn toàn hợp lý, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thiệt hại. Nhưng đó là một ca phẫu thuật đầy rủi ro”, Giáo sư luật William Kovacic thuộc Đại học George Washington, cũng là cựu chủ tịch FTC, nhận định.

Bài toán nan giải trong các vụ kiện chống độc quyền lớn

Suốt nhiều thế hệ, các tòa án Mỹ luôn phải đối mặt với bài toán nan giải: nên hành động ra sao trong các vụ kiện chống độc quyền lớn khi một doanh nghiệp bị phát hiện đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong một phán quyết nổi tiếng năm 1947, Thẩm phán Tối cao Robert H. Jackson từng viết rằng nếu biện pháp xử lý của tòa không đủ sức mở lại thị trường cho cạnh tranh, thì chính phủ sẽ “thắng một vụ kiện nhưng lại thua cả một lý tưởng”.

Tuy nhiên, nếu phán quyết của tòa án được xây dựng dựa trên các sự kiện trong quá khứ, thì biện pháp khắc phục mà tòa lựa chọn lại hướng tới tương lai. Mục tiêu không phải là trói tay thị trường, mà là mở đường cho cạnh tranh - để tạo ra nhiều ý tưởng mới, doanh nghiệp mới, đổi mới công nghệ và giá cả thấp hơn cho người tiêu dùng.

Thách thức này đang trở nên ngày càng cấp thiết khi các cơ quan quản lý tiến hành một loạt chiến dịch mạnh mẽ nhằm kiểm soát các “ông lớn” công nghệ thông qua chuỗi vụ kiện chống độc quyền, phản đối quyền lực mà họ đang nắm giữ đối với truyền thông, thương mại và thông tin.

Trong một vụ kiện khác nhắm vào Google, Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang chờ phán quyết của thẩm phán liên quan đến sự thống trị của công ty trong lĩnh vực công nghệ quảng cáo. Cơ quan này cũng đã đệ đơn kiện Apple vì các chiến thuật nhằm bảo vệ hệ sinh thái iPhone “béo bở” của mình. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) thì kiện Amazon, cáo buộc tập đoàn này đã hoạt động bất hợp pháp trong việc che chắn thế độc quyền của mình trên thị trường bán lẻ trực tuyến.

Làn sóng kiện tụng chống độc quyền này - bao gồm cả các kháng cáo - có khả năng kéo dài trong nhiều năm. Và nếu chính phủ thắng bất kỳ vụ nào, tòa án có thể ra lệnh chia tách công ty - điều tồi tệ nhất đối với các tập đoàn bị nhắm đến.

Google tuyên bố sẽ kháng cáo đề xuất chia tách công ty. Ảnh: Fast Company

Google tuyên bố sẽ kháng cáo đề xuất chia tách công ty. Ảnh: Fast Company

Bài học từ chia tách đế chế Standard Oil và AT&T

Theo các chuyên gia về luật chống độc quyền, lịch sử cho thấy rằng các lệnh chia tách có thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả trong việc thúc đẩy cạnh tranh lại khá đa dạng, không phải lúc nào cũng như kỳ vọng.

Standard Oil, đế chế dầu mỏ do John D. Rockefeller thành lập năm 1870, là vụ án điển hình trong thời kỳ cải cách “phá bỏ các tập đoàn độc quyền” vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Công ty này bị Tòa án Tối cao ra phán quyết chia tách vào năm 1911, bị tách thành 34 thực thể từng thuộc về Standard Oil Trust, vốn kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất, tinh chế, phân phối và định giá trong ngành dầu mỏ. Trong thời gian đầu, việc chia tách đã thúc đẩy cạnh tranh, nhưng về lâu dài, các “hậu duệ” của Trust lại trở thành những gã khổng lồ dầu mỏ mới như Exxon Mobil, Chevron và ConocoPhillips.

Việc chia tách AT&T vào năm 1982 là kết quả của một vụ kiện chống độc quyền kéo dài do Bộ Tư pháp khởi xướng, cáo buộc công ty này đã độc quyền bất hợp pháp thị trường viễn thông tại Mỹ. Mảng dịch vụ điện thoại nội hạt được tách thành 7 công ty vùng được gọi là “Baby Bell”, trong khi thị trường điện thoại đường dài và thiết bị viễn thông được mở cửa cho cạnh tranh — kéo theo giá thành giảm và sự đa dạng hóa dịch vụ.

Những giải pháp thay thế

Trong thuật ngữ chống độc quyền, một biện pháp “cấu trúc” như vậy thường đồng nghĩa với chia tách công ty. Nhưng các chuyên gia cho biết vẫn có những bước đi nhẹ nhàng hơn, không cần bán tháo tài sản, mà vẫn có thể định hình lại thị trường và thúc đẩy cạnh tranh.

Năm 1969, dưới áp lực từ một vụ kiện chống độc quyền của chính phủ, cáo buộc hãng độc quyền thị trường máy tính lúc bấy giờ, IBM đã quyết định tách phần cứng khỏi phần mềm — coi đó là hai lĩnh vực kinh doanh riêng biệt, với mức giá và cách bán tách rời nhau. Phần mềm không còn được “cho miễn phí” kèm theo máy tính nữa. Quyết định này đã mở đường cho sự ra đời của ngành công nghiệp phần mềm thương mại, với Microsoft là kẻ chiến thắng lớn nhất.

Microsoft cuối cùng không bị chia tách, nhưng trong thỏa thuận dàn xếp năm 2001, công ty bị cấm ký những hợp đồng ép buộc các hãng sản xuất máy tính cá nhân không được phân phối phần mềm của các đối thủ non trẻ. Biện pháp này đã giúp mở ra cánh cửa cho sự cạnh tranh trong lĩnh vực trình duyệt và tìm kiếm. Google chính là bên hưởng lợi lớn nhất.

“Đó là những biện pháp mạnh nhưng không cần chia tách công ty, và vẫn tạo ra được sự cạnh tranh” - Giáo sư kinh tế Fiona Scott Morton tại Trường Quản trị Yale (Yale University School of Management) nhận định.

Lập luận của Meta và Google

Hôm 14/4, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Meta - tiền thân là Facebook - đã trình bày phần mở đầu tại Tòa án Liên bang Quận Columbia. Sau đó, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã ra làm chứng. Cốt lõi trong cáo buộc của chính phủ là: Facebook đã chi số tiền khổng lồ để mua Instagram và WhatsApp hơn một thập kỷ trước không phải để phát triển chúng, mà nhằm tiêu diệt các đối thủ tiềm năng, qua đó bảo vệ thế độc quyền sinh lợi trong lĩnh vực mạng xã hội.

Phía Meta phản bác rằng cả Instagram và WhatsApp đều phát triển mạnh dưới sự sở hữu của công ty. Đồng thời, Meta lập luận rằng thị trường mạng xã hội vẫn rất cạnh tranh — với minh chứng rõ ràng là sự trỗi dậy thần tốc của TikTok.

Nếu chính phủ giành chiến thắng trong vụ kiện Meta, các chuyên gia chống độc quyền cho rằng biện pháp khắc phục nhiều khả năng sẽ là phán quyết buộc công ty phải bán Instagram và WhatsApp.

Tuần tới, cũng tại tòa án ở Washington, Google sẽ bước vào giai đoạn xác định biện pháp xử lý trong vụ kiện do Bộ Tư pháp và một nhóm các bang khởi xướng, cáo buộc hãng duy trì thế độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Hồi tháng 8/2024, thẩm phán Amit P. Mehta đã kết luận rằng Google duy trì thế độc quyền bất hợp pháp trong thị trường tìm kiếm.

Để khôi phục cạnh tranh, chính phủ đề nghị tòa án yêu cầu Google bán trình duyệt Chrome - một công cụ phổ biến để phân phối dịch vụ tìm kiếm - và hoặc là tách riêng hệ điều hành Android, hoặc cấm công ty bắt buộc cài đặt các dịch vụ của mình trên điện thoại Android. Chrome và Android hiện là hai kênh phân phối mạnh mẽ giúp củng cố vị thế thống trị của Google Search.

Google gọi danh sách đề xuất của chính phủ là “kế hoạch thái quá một cách kinh ngạc,” “vượt xa phạm vi phán quyết của tòa” và cho rằng nếu thực hiện, điều đó sẽ gây hại cho người tiêu dùng bằng cách buộc họ sử dụng những sản phẩm kém chất lượng hơn. Công ty cũng cho biết sẽ kháng cáo.

Tim Wu - Giáo sư luật tại Đại học Columbia, đồng thời là cựu cố vấn về chính sách công nghệ và cạnh tranh trong chính quyền Biden - ủng hộ việc chia tách trong cả hai vụ Google và Meta. “Nếu muốn khuấy đảo tình hình, giải pháp cấu trúc là phương án gọn gàng và gần như tự vận hành - chia nhỏ rồi rút lui”, ông nhận định.

Tuy nhiên, bất kỳ lệnh chia tách nào cũng sẽ bị kháng cáo, và hiện nay các tòa án cấp cao dường như vẫn giữ quan điểm hoài nghi giống thời vụ kiện Microsoft.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tham-vong-xe-nho-google-va-meta-bai-hoc-voi-nuoc-my-khi-chia-tach-nhung-ga-khong-lo-20250416074925275.htm
Zalo