Mark Zuckerberg từng xem xét tách Instagram khỏi Meta, thừa nhận xây hàng tá ứng dụng không thành công

Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, từng cân nhắc việc tách Instagram thành một công ty riêng vào năm 2018 do lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ bị điều tra chống độc quyền, theo một tài liệu được trình bày trong phiên tòa ở Washington D.C (thủ đô Mỹ) hôm 15.4.

Tài liệu này được công bố trong ngày thứ hai Mark Zuckerberg ra làm chứng tại phiên tòa mang tính bước ngoặt, trong đó Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) tìm cách hủy bỏ các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp của Meta Platforms.

"Tôi tự hỏi liệu chúng ta có nên cân nhắc bước đi cực đoan là tách Instagram thành một công ty riêng không", Mark Zuckerberg viết trong bản ghi nhớ. Thời điểm đó, công ty đang xem xét kế hoạch tái tổ chức lại mạng xã hội và liên kết các ứng dụng của mình một cách chặt chẽ hơn.

Mark Zuckerberg cho rằng việc hợp nhất (gắn kết các ứng dụng với nhau) có thể mang lại “tăng trưởng kinh doanh mạnh mẽ”, nhưng cũng cảnh báo điều này có thể làm giảm giá trị sản phẩm chủ lực là Facebook khi không chắc rằng công ty có thể giữ được đầy đủ “hệ sinh thái ứng dụng” về lâu dài.

Cuối cùng, Meta Platforms không tách riêng Instagram mà tiếp tục kế hoạch tích hợp các ứng dụng vào năm 2019. Tuy nhiên, việc Mark Zuckerberg từng nghiêm túc cân nhắc điều đó cho thấy ông lo ngại sâu sắc như thế nào về nguy cơ Meta Platforms bị chia tách.

“Trong bối cảnh ngày càng nhiều lời kêu gọi chia tách các hãng công nghệ lớn, có một khả năng không nhỏ rằng chúng ta sẽ bị buộc phải tách Instagram và có thể cả WhatsApp, trong vòng 5 - 10 năm tới”, Mark Zuckerberg viết khi đó, đồng thời nhấn mạnh khả năng một “Tổng thống thuộc đảng Dân chủ tiếp theo” sẽ hành động để chia tách các hãng công nghệ.

“Đây là một yếu tố nữa mà chúng ta nên xem xét, bởi ngay cả khi chúng ta muốn giữ các ứng dụng lại với nhau, thì cũng có thể không làm được”, ông cho hay.

FTC cuối cùng đã kiện Meta Platforms vào năm 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong cùng năm đó, cơ quan chống độc quyền cũng kiện Google của Alphabet, cáo buộc hãng độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm.

Mark Zuckerberg khi ấy cũng hạ thấp tác động tiêu cực của việc tách Instagram ra khỏi công ty trong bản ghi nhớ. Kể từ đó, Meta Platforms đã công khai lập luận rằng việc chia tách công ty sẽ gây tổn hại.

“Dù hầu hết các công ty đều chống lại việc bị chia tách, nhưng lịch sử doanh nghiệp cho thấy phần lớn các công ty thực tế lại hoạt động tốt hơn sau khi bị tách. Những lợi ích tổng hợp thường ít hơn nhiều người tưởng và cái gọi là ‘thuế chiến lược’ thì thường cao hơn nhiều người nghĩ”, Mark Zuckerberg viết.

“Thuế chiến lược” ở đây tức là chi phí vô hình do phải điều chỉnh chiến lược chung giữa các bộ phận khác nhau.

Mark Zuckerberg rời đi sau khi tham dự phiên tòa hôm 15.4 ở Washington D.C - Ảnh: Reuters

Mark Zuckerberg rời đi sau khi tham dự phiên tòa hôm 15.4 ở Washington D.C - Ảnh: Reuters

Lời khai của Mark Zuckerberg diễn ra trong bối cảnh Meta Platforms đang tự bảo vệ mình trước các tuyên bố bất lợi khác được rút ra từ tài liệu nội bộ của Facebook (hiện là Meta Platforms) trước đây, như email từ năm 2008, trong đó ông viết rằng "mua lại tốt hơn là cạnh tranh".

Vụ kiện từ FTC được xem là phép thử cho cam kết của chính quyền Trump trong việc đối đầu với các hãng công nghệ.

FTC lập luận rằng Meta Platforms đã vi phạm luật cạnh tranh của Mỹ khi mua lại Instagram vào năm 2012 và WhatsApp năm 2014.

Theo FTC, thương vụ mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD và WhatsApp giá 19 tỉ USD là nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh và thống trị lĩnh vực mạng xã hội. Chính phủ Mỹ cho rằng đây là một phần trong chiến lược "mua lại hoặc chôn vùi" của Meta Platforms để duy trì vị thế thống trị thị trường.

FTC cáo buộc Meta Platforms độc quyền nền tảng chia sẻ nội dung giữa bạn bè và gia đình, khi các đối thủ lớn của họ tại Mỹ là Snapchat và MeWe (ứng dụng mạng xã hội nhỏ tập trung vào quyền riêng tư, ra mắt năm 2016).

FTC lập luận rằng các nền tảng nơi người dùng phát nội dung cho người lạ dựa trên sở thích chung như X, TikTok, YouTube và Reddit không thể thay thế cho loại hình mạng xã hội bạn bè - gia đình.

Một phần lời khai của Meta Platforms hôm 14.4 xoay quanh việc người dùng Facebook và Instagram là không còn chia sẻ nội dung công khai đến bạn bè của họ trên Facebook và Instagram nhiều như trước nữa.

“Phần bạn bè đã giảm đi khá nhiều”, Mark Zuckerberg nói trong phiên tòa hôm 14.4. Ông cho biết Facebook nói riêng đã “trở thành một không gian khám phá và giải trí rộng hơn”.

Trong một slide bài thuyết trình mở đầu của mình, Meta Platforms cho biết thời gian người dùng dành để xem nội dung từ bạn bè đã giảm. Năm 2023, thời gian này là 22% trên Facebook và 11% trên Instagram. Đến năm 2025, con số này giảm còn 17% trên Facebook và 7% trên Instagram.

Nguyên nhân một phần là do Meta Platforms ưu tiên định dạng video ngắn và thay đổi cách gợi ý nội dung đến người dùng.

Những tháng gần đây, Meta Platforms đã công khai nỗ lực đảo ngược xu hướng người dùng thấy ít bài viết từ bạn bè hơn. Vào tháng 3, công ty đã ra mắt thẻ friends (bạn bè) mới trên Facebook, chỉ hiển thị bài đăng, story và reel từ những ai mà người dùng thực sự quen biết, không có nội dung gợi ý hay thuật toán chen ngang.

Mark Zuckerberg nói rằng đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đưa "Facebook nguyên bản" trở lại - một phiên bản thân mật hơn, tập trung vào các kết nối cá nhân như thuở ban đầu.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ xây dựng được những thứ tuyệt vời định hình tương lai của sự kết nối con người”, ông nói trong buổi họp công bố kết quả tài chính gần nhất của Meta Platforms vào tháng 1, sau đó mô tả điều này trên podcast là “giai đoạn một trong việc đưa Facebook nguyên bản trở lại”.

“Instagram có camera tốt hơn”

Trong lời khai hôm 15.4, Mark Zuckerberg nói rằng Meta Platforms mua Instagram vì ứng dụng này có camera “tốt hơn” so với cái mà công ty của ông đang cố gắng xây dựng khi đó.

Lời thừa nhận này được xem như một sự ủng hộ cho cáo buộc từ FTC rằng Meta Platforms đã dùng chiến lược “mua lại hoặc chôn vùi” để thâu tóm các đối thủ tiềm năng, loại bỏ các đối thủ nhỏ và duy trì thế độc quyền bất hợp pháp.

Khi được luật sư của FTC hỏi rằng liệu có nghĩ Instagram đang phát triển nhanh có thể gây hại cho Meta Platforms (lúc đó là Facebook) không, Mark Zuckerberg nói ông tin Instagram có camera tốt hơn sản phẩm mà công ty đang làm.

“Chúng tôi đã thực hiện phân tích ‘xây dựng hay mua’ trong khi đang phát triển một ứng dụng camera. Tôi nghĩ Instagram làm điều đó tốt hơn, nên tôi cho rằng mua lại họ là tốt hơn”, Mark Zuckerberg thừa nhận.

Meta Platforms lập luận rằng những ý định trong quá khứ của Mark Zuckerberg không liên quan, vì FTC đã định nghĩa thị trường mạng xã hội sai và không tính đến sự cạnh tranh gay gắt từ TikTok của ByteDance, YouTube của Alphabet cùng ứng dụng nhắn tin iMessage của Apple.

Mark Zuckerberg cũng thừa nhận rằng nhiều nỗ lực tự xây dựng ứng dụng của Meta Platforms đã thất bại.

“Việc xây dựng một ứng dụng mới là rất khó và phần lớn thời gian khi chúng tôi cố làm điều đó thì nó không tạo được sức hút. Có lẽ chúng tôi đã thử xây hàng tá ứng dụng trong suốt lịch sử công ty, và phần lớn trong số đó chẳng đi đến đâu cả”, ông nói trước tòa.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 8 tuần. Thẩm phán James Boasberg sẽ là người duy nhất đưa ra phán quyết liệu Meta Platforms có vi phạm luật cạnh tranh hay không, vì không có bồi thẩm đoàn trong vụ này.

Đây có thể là một trong những vụ xét xử chống độc quyền có ảnh hưởng lớn nhất nhiều năm gần đây. Nếu FTC giành chiến thắng, Meta Platforms có thể bị buộc phải bán WhatsApp và Instagram.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mark-zuckerberg-tung-xem-xet-tach-instagram-khoi-meta-thua-nhan-xay-hang-ta-ung-dung-khong-thanh-cong-231614.html
Zalo